15:31, 11/12/2023
Sáng 28/10, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) chính thức được khánh thành, diễn ra song song là Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023).
Trung tâm là một trong những mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo đầu tiên trên thế giới do Nhà nước làm chủ phục vụ mục tiêu chung của quốc gia, có cơ chế đặc thù được quy định tại một Nghị định riêng của Chính phủ và được đầu tư, vận hành hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, hiện đại, Trung tâm sẽ là nơi hội tụ một hệ sinh thái năng động trong khu vực, nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn và nhân tài trong và ngoài nước, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, đưa các dự án đổi mới sáng tạo phát triển lên một tầm cao mới.
Trung tâm không chỉ kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, mà còn kết nối với mạng lưới các Trung tâm Đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo trong khu vực và thế giới.
Những nét đặc trưng này được kỳ vọng sẽ biến Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia thành hạt nhân thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam, giúp Việt Nam nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để bứt phá vươn lên.
Ngày 25/10, tại Đà Nẵng, Công ty Cổ phần EM&AI – Hệ sinh thái giải pháp phân tích giọng nói và nhân viên ảo AI đã tổ chức ra mắt Giải pháp trợ lý AI tạo sinh Vagent (Voice&Chat).
Giải pháp Vagent xuất phát từ những hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ AI vào dịch vụ công cũng như cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thị trường lao động hiện tại yêu cầu rất cao trong chất lượng và hiệu suất nhân sự. Những công việc lặp đi lặp lại dần sẽ được thay thế bởi trí tuệ nhân tạo.
Việc ra mắt Giải pháp trợ lý AI tạo sinh Vagent (Voice&Chat) góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo cũng như thực hiện Đề án thành phố thông minh, thành phố hấp dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố Đà Nẵng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào phục vụ công tư, tự chủ công nghệ AI bằng trí tuệ và tài năng Việt.
Vagent là giải pháp duy nhất hiện nay trên thị trường cho phép người dùng tạo ra AI có khả năng nói và gọi điện thoại cho khách hàng bằng tiếng Việt.
Tại buổi ra mắt Giải pháp với giao diện Anh – Việt, Công ty Cổ phần EM&AI và Công ty TNHH Đầu tư AI20XVN cũng đã ký kết hợp tác chiến lược – là tiền đề cho việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và USA. Việc ký kết hợp tác sẽ là đòn bẩy thúc đẩy hoạt động liên quan đến đầu tư, phân phối các giải pháp liên quan đến AI hội thoại.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023), Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế) tham gia triển lãm với thông điệp “Cung cấp dịch vụ Y tế trên nền tảng dữ liệu số”, giới thiệu công việc và một số thành tựu trong lĩnh vực công nghệ và thông tin y tế.
Theo ông Đỗ Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia đẩy mạnh triển khai các nền tảng số y tế, trong đó tập trung vào: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; nền tảng quản lý tiêm chủng; nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử và nền tảng quản lý trạm y tế xã.
Hiện Trung tâm đang tập trung phát triển dữ liệu số quốc gia tạo nền tảng cho triển khai Chính phủ số, bảo đảm cung cấp dữ liệu số cho các dịch vụ công trực tuyến, chia sẻ dữ liệu thông suốt giữa các cơ quan nhà nước, cung cấp các bộ dữ liệu mở có chất lượng và giá trị khai thác cao theo quy định của pháp luật để triển khai Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Đồng thời, xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin và thực hiện các phương án đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo quy định của pháp luật. Tạo lập kho dữ liệu số ngành y tế đáp ứng các yêu cầu về kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin và dữ liệu.
Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện các giải pháp, phương án kỹ thuật phát triển hạ tầng số y tế của địa phương; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành (khám, chữa bệnh, y tế dự phòng, nhân lực, thiết bị y tế, dược) phù hợp định hướng phân cấp quản lý từ trung ương đến địa phương, để phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ số để khai thác dữ liệu hiệu quả phục vụ chuyển đổi số y tế.
Ngành Y tế cũng xác định lấy người dân làm trung tâm, lấy nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử là cốt lõi để tập trung số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân, trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Đồng thời, cung cấp, chia sẻ dữ liệu cho các nền tảng số y tế nhằm phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế,…
Hiện chuyển đổi số trong ngành Giao thông Vận tải và Logistics là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên được Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, thời gian gần đây đã đưa các hoạt động của Bộ lên môi trường số, hướng tới việc quản lý và điều hành dựa trên cơ sở dữ liệu với 3 lĩnh vực chính ưu tiên bao gồm: kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải và an toàn giao thông.
Điều này sẽ giúp cho ngành giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ, giảm thiểu chi phí trong việc triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Trên tinh thần đó Tập đoàn Autodesk với những công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm hợp tác cùng nhiều Chính phủ và các doanh nghiệp trên toàn thế giới, mong được đồng hành cùng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số này.
Ông Haresh Khoobchadani, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương & Nhật Bản, Tập đoàn Autodesk (Hoa Kỳ) đã giới thiệu về ứng dụng Mô hình Thông tin Xây dựng (BIM) với Bộ giao thông vận tải.
Ông cũng cho biết đây là giải pháp mà Autodesk đã hợp tác, hỗ trợ Chính phủ nhiều nước trên thế giới trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án xây dựng sân bay quốc tế Bangalore tại Ấn Độ hay dự án xây dựng đường hầm tại Na Uy.
Mô hình BIM của Autodesk được tích hợp hệ thống thông tin địa lý (GIS) giúp xây dựng các thành phố thông minh hơn bằng cách tích hợp các tính năng nhằm tối ưu hóa vị trí, thiết kế và giúp tổng hợp tất cả các loại thông tin như 2D, 3D, chụp ảnh thực tế…
Từ đó cung cấp cho các thành phố thuộc mọi quy mô một bức tranh hoàn chỉnh, để họ có thể đưa ra quyết định thông minh hơn về việc vận hành và bảo trì các tài sản của công trình hiện có, mô phỏng các dự án cơ sở hạ tầng trong tương lai trong bối cảnh vị trí và môi trường tự nhiên của chúng,; thậm chí dự đoán và ưu tiên những thách thức trong tương lai như: biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và đô thị hóa hàng loạt.
Các nền tảng hợp nhất như Autodesk Construction Cloud không chỉ giúp lưu trữ và quản lý dữ liệu dự án một cách an toàn trên đám mây mà còn quản lý các nhóm lớn cộng tác viên từ xa, hợp lý hóa quy trình công việc, tiết kiệm thời gian quý báu và xử lý các dự án ngày càng phức tạp hiệu quả hơn.
Mô hình BIM cũng giúp Quản lý ngân sách, tiến độ dự án một cách hiệu quả: tận dụng lợi thế dữ liệu để ra quyết định thông qua việc ứng dụng BIM, đồng thời mang lại tầm nhìn tổng quan về dự án: tiến độ ra sao, những rủi ro tiềm tàng, những lỗ hổng trong quá trình triển khai.
Đặc biệt, các thông tin này đều được trực quan hóa để người dùng có thể dễ dàng theo dõi và khai thác thông tin. Thậm chí, nhà đầu tư hay người dân cũng có thể truy cập vào ứng dụng để có được thông tin cũng như nâng cao lòng tin vào chính phủ trong việc triển khai dự án cũng như thu hút thêm các khoản đầu tư.
Ngày 25/10, Trung tâm dữ liệu (IDC) thứ 8 của VNPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chính thức khai trương và là IDC lớn nhất Việt Nam.
IDC Hòa Lạc có tổng diện tích sử dụng lên tới 23.000 m2 sàn, có quy mô đến 2.000 tủ racks – lớn nhất tại Việt Nam tính tới thời điểm hiện tại.
IDC Hoà Lạc đã đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho hạng mục thiết kế (TCDD), xây dựng lắp đặt (TCCF) và sắp tới sẽ là chứng chỉ về vận hành (TCOS).
Các thiết bị trong IDC được cung cấp bởi các hãng nổi tiếng tới từ các nước G7: Cumin, Hitachi, Siemens…; Đặc biệt, trung tâm IDC có khả năng kết nối mạng siêu tốc, trung bình 2Gbps/rack đối với kết nối trong nước và 0.5Gbps/rack với kết nối mạng quốc tế.
VNPT IDC Hòa Lạc được trang bị dự phòng N+1 đảm bảo vận hành an toàn và liên tục ngay cả khi thực hiện sửa chữa, bảo trì, giúp dịch vụ của khách hàng luôn được liên tục, ổn định và không gặp bất kỳ gián đoạn nào.
Đặc biệt, hệ thống giám sát an ninh theo 6 lớp bảo mật từ ngoài vào trong Data Hall của Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp đảm bảo an toàn dữ liệu của khách hàng ở mức cao nhất.
Tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhấn mạnh định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông về hạ tầng số Việt Nam gồm viễn thông, hạ tầng IOT, hạ tầng dữ liệu và hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.
Theo Bộ trưởng Hùng, hạ tầng số thì phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập cập bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước từng bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hạ tầng dữ liệu là hạ tầng quan trọng bậc nhất của hạ tầng số, các nhà mạng viễn thông đã đi đầu về hạ tầng viễn thông thì nay phải đi đầu về hạ tầng dữ liệu. Đầu tư trung tâm dữ liệu là đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông, không đầu tư vào đâu thì nhà mạng không có không gian tăng trưởng mới và sẽ bị thay thế.
Cũng theo Bộ trưởng Hùng, cứ mỗi 3 năm dữ liệu thế giới lại tăng gấp đôi. Việt Nam tăng nhanh hơn. Hiện Việt Nam đang có 39 trung tâm dữ liệu vừa và nhỏ, tương đương với 15 trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc khai trương hôm nay. Như vậy mỗi năm phải khánh thành được 5 trung tâm như này mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu dữ liệu của Việt Nam.