11:40, 24/03/2025
Việt Nam đang bước vào thời kỳ bình minh của kỷ nguyên số và dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số.
"Dầu mỏ của thời đại số"
Phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Việt Nam đang bước vào thời kỳ bình minh của kỷ nguyên số và dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số.
Dữ liệu đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá trong thế giới số - Ảnh minh họa
Đảng và Nhà nước ta đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của dữ liệu đối với nền kinh tế số và đã chủ động đưa ra các định hướng chiến lược cho phát triển, hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu, quản trị dữ liệu, kết nối và chia sẻ dữ liệu...
Những phát biểu trên của Tổng Bí thư một lần nữa cho thấy sự quan trọng và tính cấp thiết trong việc phát triển nền kinh tế dữ liệu cũng như gia tăng giá trị dữ liệu trong nền kinh tế.
Trước đó, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng chỉ rõ dữ liệu là trung tâm của chuyển đổi số.
Quả thực, trong bối cảnh hiện nay, dữ liệu đã và đang trở thành nguồn tài nguyên quý giá trong thế giới số, đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của các nền tảng công nghệ, doanh nghiệp và cả nền kinh tế toàn cầu, thậm chí, dữ liệu còn được coi là "dầu mỏ của thời đại số".
Dữ liệu không đơn thuần chỉ là những con số hay văn bản vô nghĩa, mà đó là nền tảng của mọi hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Từ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống phân tích dữ liệu lớn (Big Data) cho đến các giải pháp tự động hóa, tất cả đều dựa trên dữ liệu để vận hành và phát triển.
Khi các doanh nghiệp có được dữ liệu chất lượng, họ có thể đưa ra quyết định chính xác hơn, tối ưu hóa quy trình làm việc và dự đoán xu hướng của thị trường.
Một ví dụ điển hình là các tập đoàn công nghệ lớn như: Google, Amazon hay Facebook, những công ty này đã tận dụng dữ liệu để xây dựng các thuật toán tối ưu trải nghiệm người dùng, đề xuất sản phẩm và tạo ra lợi nhuận khổng lồ.
Nếu không có dữ liệu, các nền tảng như công cụ tìm kiếm, mạng xã hội hay hệ thống quảng cáo trực tuyến sẽ không thể hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo thống kê, trên toàn thế giới hiện nay có khoảng 11 tỷ thiết bị đang được kết nối Internet. Hãng nghiên cứu thị trường IDC dự tính, vào năm 2025, con số này sẽ lên tới 80 tỷ thiết bị.
Sự phát triển chóng mặt của Internet vạn vật sẽ biến dòng chảy của dữ liệu không ngừng trở nên “khổng lồ”. IDC dự đoán rằng, tổng lượng dữ liệu số được tạo ra trên toàn cầu đến năm 2025 sẽ là 180 zettabyte (ZB). Với tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy của dữ liệu, tương lai phía trước là các quyết định quan trọng sẽ phải được đưa ra dựa trên dữ liệu.
Không bỏ lỡ cơ hội lớn
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia công nghệ - ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia - khẳng định, Việt Nam với lợi thế dân số trẻ, tỷ lệ người dùng Internet cao và quyết tâm của Chính phủ, đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng sức mạnh của dữ liệu số nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất.
Dữ liệu số sẽ đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng - Ảnh minh họa
Dữ liệu số sẽ đóng góp vào tăng trưởng, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy cải cách hành chính và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. "Dữ liệu số đang đóng vai trò ngày càng lớn trong tăng trưởng GDP của Việt Nam" - ông Hân nhận định.
Bằng chứng, năm 2023, kinh tế số (phần lớn dựa trên khai thác dữ liệu và công nghệ số) đã chiếm khoảng 12,33% GDP của Việt Nam. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số tiếp tục đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á.
Con số trên tăng mạnh so với vài năm trước và được dự báo tiếp tục tăng nhanh. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tham vọng rằng đến năm 2030, kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP - một mục tiêu đòi hỏi việc khai thác dữ liệu phải diễn ra sâu rộng trong mọi ngành kinh tế.
Vị chuyên gia công nghệ này cũng phân tích, việc ứng dụng dữ liệu trong quản lý và ra quyết định giúp nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh. Nghiên cứu quốc tế cho thấy, các doanh nghiệp đưa dữ liệu vào quá trình ra quyết định có thể tăng năng suất 5-6% so với cách làm truyền thống.
Bên cạnh đó, dữ liệu số mở ra các dư địa tăng trưởng mới. Các mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu như thương mại điện tử, kinh tế nền tảng (platform economy), dịch vụ số và kinh tế sáng tạo đang bùng nổ.
Ví dụ, năm 2024, thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023 - phần lớn nhờ khai thác dữ liệu về hành vi mua sắm của người tiêu dùng để cá nhân hóa trải nghiệm và mở rộng thị trường. Rõ ràng, dữ liệu số đang trở thành yếu tố nền tảng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, dữ liệu số đang và sẽ tiếp tục, đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế Việt Nam. Từ việc thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng suất lao động, đến cải cách hành chính và tạo ra các mô hình kinh doanh mới, dữ liệu số chính là nguồn tài nguyên chiến lược của quốc gia trong thế kỷ 21.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần FPT cho hay, dữ liệu đã trở thành nhiên liệu quan trọng nhất cho mọi nền kinh tế. "Nếu được chọn một từ, tôi sẽ chọn dữ liệu" - ông nói, đồng thời cho rằng, dữ liệu chỉ phát huy giá trị khi được quản lý đúng cách và có chính sách hỗ trợ phù hợp.
Mặc dù, Việt Nam đã bước đầu nhận thức rõ tầm quan trọng của dữ liệu, thể hiện qua các chương trình chuyển đổi số quốc gia và mục tiêu kinh tế số đầy tham vọng, nhưng chặng đường xây dựng một nền kinh tế dữ liệu còn nhiều việc phải làm - từ hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực đến bảo vệ an ninh, quyền riêng tư.
Để hiện thực hóa tiềm năng kinh tế dữ liệu, Việt Nam cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống: Chính sách linh hoạt, đầu tư đúng mức, doanh nghiệp chủ động đổi mới và người dân sẵn sàng tiếp nhận cái mới. Học hỏi tinh hoa kinh nghiệm quốc tế và phát huy nội lực sáng tạo sẽ giúp Việt Nam tìm ra con đường phù hợp nhất cho mình...
Trong tương lai không xa, khi dữ liệu được khai thác hiệu quả và an toàn, Việt Nam có thể tạo nên những bứt phá về tăng trưởng và phát triển bao trùm, vững bước tiến vào hàng ngũ các nền kinh tế số hàng đầu khu vực. Và như vậy, dữ liệu trở thành "không khí và ánh sáng cho kỷ nguyên mới"...
Dữ liệu số đang trở thành “nhiên liệu” cốt lõi của nền kinh tế hiện đại, tương tự như dầu mỏ trong thế kỷ 20. Trong kỷ nguyên số, mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến quản trị đều tạo ra và dựa vào dữ liệu.