16:22, 21/03/2025
Sáng ngày 21/3/2025, tại trường THCS Nguyễn Văn Bé (206 Nguyễn Văn Đậu, phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã diễn ra chương trình kết nối dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc nâng cao sức khoẻ tinh thần cho học sinh trong trường học”. Sự kiện do Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo TP.HCM (SIHUB, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp cùng trường THCS Nguyễn Văn Bé tổ chức, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, triển khai công nghệ hỗ trợ tâm lý học đường trong môi trường giáo dục hiện đại.
Tham dự chương trình kết nối, về phía SIHUB có bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm. Về phía trường THCS Nguyễn Văn Bé có cô Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng. Về phía dự án có bà Nguyễn Văn Tạo - Trưởng dự án.
Toàn cảnh buổi kết nối dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc nâng cao sức khoẻ tinh thần cho học sinh trong trường học”
Phát biểu tại chương trình, bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc SIHUB nhấn mạnh: “Giải pháp Tâm lý học đường 4.0 không chỉ là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh và giáo viên trong môi trường giáo dục hiện đại, mà còn giúp nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, đảm bảo môi trường học tập an toàn và tích cực hơn”.
Bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc SIHUB, phát biểu tại chương trình kết nối
Chương trình kết nối nằm trong khuôn khổ chương trình Ươm tạo dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 - Saigon Govtech Challenge 2024 (Gov. Star 2024)” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai, nhằm thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ số vào khu vực công, hướng đến một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện và bền vững.
Theo ông Nguyễn Văn Tạo - Trưởng dự án, “Giải pháp Tâm lý học đường 4.0” là hệ thống hỗ trợ tâm lý đa nền tảng dành cho học sinh, giáo viên và phụ huynh. Giải pháp áp dụng công nghệ số để tăng cường khả năng tiếp cận, hỗ trợ và can thiệp kịp thời các vấn đề tâm lý trong trường học.
Hệ thống bao gồm các tính năng chính như: Nền tảng tư vấn trực tuyến - Học sinh có thể đặt lịch hẹn, tham vấn qua video call, chat hoặc email với chuyên gia tâm lý; Ứng dụng di động - Hỗ trợ theo dõi sức khỏe tinh thần, cung cấp bài kiểm tra tự đánh giá và gợi ý bài tập cải thiện tâm lý; Hệ thống phân tích AI - Đánh giá xu hướng tâm lý, phát hiện dấu hiệu sớm của căng thẳng, trầm cảm và lo âu; Chương trình đào tạo - Tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm lý trong trường học.
Ông Nguyễn Văn Tạo - Trưởng dự án chia sẻ về dự án
Tại buổi kết nối, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về tiềm năng ứng dụng thực tiễn của giải pháp trong công tác giảng dạy và quản lý trường học. Đại diện trường THCS Nguyễn Văn Bé bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến tính hiệu quả của hệ thống, đặc biệt là khả năng hỗ trợ giáo viên trong việc theo dõi tâm lý học sinh và can thiệp kịp thời khi cần thiết. Các chuyên gia cũng đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng mở rộng hệ thống, tích hợp với nền tảng quản lý giáo dục hiện có và đảm bảo bảo mật thông tin trong môi trường số hóa.
Cô Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Bé, nêu các đề bài cụ thể mà dự án có thể hỗ trợ nhà trường
Cô Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Bé, cho biết: “Chúng tôi tin rằng giải pháp này sẽ giúp học sinh có được sự hỗ trợ tốt nhất về mặt tâm lý, đồng thời tạo điều kiện để giáo viên và phụ huynh dễ dàng tiếp cận thông tin, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, hiện đại và nhân văn hơn”.
Việc triển khai giải pháp Tâm lý học đường 4.0 không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm học tập mà còn góp phần xây dựng mô hình trường học số hiện đại, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ chuyển đổi số. Các đại biểu tại chương trình kết nối đánh giá cao tiềm năng của giải pháp và kỳ vọng hệ thống sẽ sớm được triển khai rộng rãi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM.