17:38, 14/03/2025
Ngày 14-3, Hội Truyền thông - Điện tử TPHCM phối hợp với Chi hội Blockchain TPHCM tổ chức tọa đàm “Kinh tế số, chuyển đổi số tại TPHCM: Chính sách và hành động nhìn từ Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị”. Các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức trong quá trình thực thi chính sách kinh tế số.
Quang cảnh tọa đàm
Theo Báo cáo Kinh tế số e-Conomy SEA 2024 của Google, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 36 tỷ USD vào năm 2024 và có thể tăng trưởng lên 90 - 200 tỷ USD vào năm 2030. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị đã xác định đây là động lực chính trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, đặt mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số sẽ chiếm tối thiểu 30% GDP và đến năm 2045 đạt tối thiểu 50% GDP, đưa TPHCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện.
Theo các chuyên gia, trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi số là con đường tất yếu để tồn tại và phát triển. Ít nhất 40% tổng số các doanh nghiệp sẽ biến mất trong 10 năm tới nếu không tìm cách thay đổi để thích nghi với những công nghệ mới.
TPHCM đang quyết liệt chuyển mình để trở thành đầu tàu kinh tế vào năm 2030
Hiện TPHCM đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, tập trung vào các giải pháp công nghệ như blockchain, AI. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu khung pháp lý, hạ tầng công nghệ số, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và khả năng hội nhập quốc tế.
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông – Điện tử TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TPHCM, các doanh nghiệp tại TPHCM đang có nhiều cơ hội để chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo động lực để phát triển kinh tế số, với những chính sách hỗ trợ từ chính quyền. Các doanh nghiệp tại TPHCM sẽ được hỗ trợ về mặt chính sách miễn giảm thuế, khi ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh; tiếp cận thị trường thương mại điện tử rộng lớn, tăng trưởng mạnh… Ngoài ra, có cơ hội tiếp cận các quỹ đầu tư khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí vận hành...
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, đưa ra dẫn chứng về xếp hạng Chính phủ điện tử tại Việt Nam đứng thứ 71 vào năm 2024, tăng 15 bậc so với năm 2022, trong đó vai trò của truyền thông khoa học công nghệ có sự đóng góp to lớn vào kết quả trên. Để truyền thông chuyển đổi số có hiệu quả, cần đi sâu vào mô hình phục vụ, các ứng dụng tạo ra giá trị thay vì tập trung vào số lượng sáng kiến, việc chuyển đổi số là một quá trình linh hoạt, mô hình có thể thay đổi theo thời gian…
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch HBA - Chi hội Blockchain TPHCM, chia sẻ tại hội thảo
Còn theo ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch HBA- Chi hội Blockchain TPHCM, các nền tảng cần thiết cho nền kinh tế số và chuyển đổi số tại TPHCM cần được chấp nhận như tài sản mã hóa và ứng dụng Blockchain, bởi tiềm năng nguồn thu vô cùng lớn từ thuế và phí giao dịch, giúp giảm tải nguồn lực, chi phí, thời gian vận hành các hệ thống. Thống kê cho thấy, tổng khối lượng giao dịch thị trường tiền mã hoá VN 800 tỷ USD/năm (chưa tính khối lượng giao dịch thị trường NFT) trong giao dịch thị trường chứng khoán Việt Nam là 180 tỷ USD/năm.
Theo số liệu từ Wall Street Journal, Việt Nam đứng Top 4 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên Binance, khối lượng giao dịch từ nhà đầu tư Việt Nam ước tính 250 tỷ USD/năm, tổng khối lượng giao dịch từ nhà đầu tư Việt Nam trên cả 2 thị trường CEX và DEX ước tính gần 800 tỷ USD/năm.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp cùng thảo luận về những cơ hội và thách thức trong quá trình thực thi chính sách kinh tế số từ những góc nhìn thực tiễn. Từ đó, hỗ trợ cơ quan quản lý hoàn thiện giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại TPHCM và tạo động lực phát triển kinh tế số bền vững.