09:59, 24/12/2024
Nhiều sáng kiến, kinh nghiệm xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của TP.HCM, Bến Tre, Đà Nẵng,… được chia sẻ tại hội thảo do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức chiều 17/12 trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM 2024 (WHISE 2024).
Theo bà Nguyễn Thị Kim Huệ (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), thời gian qua, hệ sinh thái KNĐMST của TP.HCM được đánh giá năng động nhất cả nước và ngày càng lớn mạnh. Thành phố hiện sở hữu hơn 30% startups của cả nước; hơn 40 cơ sở ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp và gần 200 quỹ đầu tư đang hoạt động. TP.HCM đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, và trong Top 111 thành phố có hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp năng động nhất toàn cầu. Điều này cho thấy, Thành phố luôn quan tâm, đưa ra nhiều chính sách, chương trình, kế hoạch nhằm định hướng và thúc đẩy các hoạt động KNĐMST.
Thông qua hội thảo về "Mô hình hợp tác liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh", trong không khí của chuỗi sự kiện WHISE 2024, Sở mong muốn kết nối, chia sẻ kinh nghiệm của các địa phương trong việc xây dựng hệ sinh thái và một số chính sách đặc thù cho khởi nghiệp sáng tạo; thảo luận, đề xuất giải pháp, mô hình liên kết hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái không chỉ ở TP.HCM mà còn tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Hội thảo đã lắng nghe các bài tham luận từ các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực KNĐMST như: Kinh nghiệm và cách thức xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và các chính sách đặc thù trong lĩnh vực ĐMST và khởi nghiệp của TP.HCM; Không gian đổi mới sáng tạo Mekong (Mekong Innovation Hub) tại tỉnh Bến Tre; Xây dựng hệ sinh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và giải pháp liên kết các hệ sinh thái (tại Đà Nẵng); Con đường phát triển từ một doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trở thành "kỳ lân" công nghệ (Công ty CP VNG); Ứng dụng công nghệ NB-IoT vào hệ thống tưới trong canh tác nông nghiệp (Công ty TNHH Nông nghiệp số AgriConnect).
Chia sẻ kinh nghiệm của TP.HCM, bà Phan Thị Quý Trúc (Phó trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo – Sở KH&CN) cho biết, hoạt động ĐMST và khởi nghiệp của TP.HCM triển khai từ năm 2016, với Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Chương trình 4181). Chương trình này với sự ra đời của Không gian hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Saigon Innovation Hub (SIHUB) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ huấn luyện nâng cao năng lực cho các thành phần trong hệ sinh thái; kết nối mạng lưới khởi nghiệp; hợp tác triển khai các chương trình ươm tạo và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp ĐMST; thúc đẩy truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ĐMST và khởi nghiệp;… Kết quả, giai đoạn 2016-2021 đã hỗ trợ hơn 3.500 cá nhân và nhóm khởi nghiệp hoàn thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh; huấn luyện cho hơn 300 giảng viên ở 20 trường đại học về ĐMST; phát triển ý tưởng kinh doanh cho hơn 3.000 dự án khởi nghiệp, kết nối hơn 45 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức hơn 90 cuộc thi, thu hút hơn 3.500 dự án và ý tưởng tham gia, trên 350 dự án mỗi năm được lựa chọn để tiếp tục ươm tạo; kết nối 153 tổ chức quốc tế từ Mỹ, Canada, Anh, Đức, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, NewZealand,... ký kết và tham gia hỗ trợ ĐMST.
Giai đoạn 2021-2025, TP.HCM tập trung triển khai Đề án 672 (Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025) theo Quyết định số 672/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố. Đề án 672 gồm 8 nhóm nhiệm vụ và 23 dự án hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startups) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Trong đó, tập trung tham mưu, đề xuất các chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNĐMST cho Thành phố; đưa vào vận hành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM cùng nền tảng trực tuyến thúc đẩy ĐMST (nền tảng H.OIP); phát triển mô hình đại học khởi nghiệp; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST; thúc đẩy hoạt động ĐMST trong khu vực công (Govtech);…
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 23 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội, TP.HCM đã ban hành và triển khai 4 nhóm chính sách hỗ trợ cho khoa học công nghệ và ĐMST. Đây là những chính sách nhằm thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong các tổ chức công lập tham gia vào các dự án nghiên cứu phát triển, nhiệm vụ khoa học và công nghệ ưu tiên của Thành phố; hỗ trợ, tài trợ (không hoàn lại) cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố, nhằm tạo ra quỹ hỗ trợ cho các startups ở giai đoạn sớm; quy định thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố (đang thử nghiệm với máy bay không người lái và xe tự hành); quy định các lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung hoạt động khởi nghiệp ĐMST có thu nhập phát sinh trên địa bàn Thành phố được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Về Không gian đổi mới sáng tạo Mekong, ông Nguyễn Minh Tuấn (Phụ trách Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở KH&CN tỉnh Bến Tre) cho biết, mô hình được hình thành từ một nhiệm vụ KH&CN, với mục tiêu thực hiện các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, khu làm việc chung; truyền thông, kết nối, hợp tác hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh Bến Tre và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp ở Bến Tre đã được hình thành đầy đủ, với sự tham gia kết nối của khu vực Nhà nước (Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp tỉnh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp, Tổ Xúc tiến đầu tư các huyện/thành phố/xã, phường, thị trấn, sở ngành,…); các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh; cộng đồng khởi nghiệp (Câu lạc bộ Khởi nghiệp Tiên phong tỉnh, huyện/thành phố, Hội doanh nhân trẻ tỉnh, Hội doanh nghiệp các huyện/thành phố,…); cố vấn (Mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, CLB Doanh nghiệp dẫn đầu, CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM,…).
Bến Tre cũng ban hành, triển khai một số chính sách hỗ trợ hệ sinh thái như Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2017-2020); Nghị quyết 09/2023 của HĐND tỉnh về một số chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2020 - 2025;… Qua đó đã thực hiện các hoạt động truyền thông khởi nghiệp; đào tạo, nâng cao năng lực; tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp, đối thoại doanh nghiệp; kết nối, hoàn thiện sản phẩm; xúc tiến thương mại; kết nối quỹ đầu tư; hỗ trợ thủ tục hành chính; liên kết, hợp tác ươm tạo;… Một số sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu của Bến Tre như dừa hồ lô tài lộc, dừa sấy giòn, Cocofarm đặc sản xứ dừa, tranh gáo dừa, tranh giấy dừa, dừa nướng Ba Đốt, mỹ phẩm dừa và tinh dầu thiên nhiên, sản phẩm gáo dừa kết hợp công nghệ CNC, nhang sinh học,...
Với mô hình Mekong Innovation Hub, hiện nay Bến Tre tập trung các hoạt động truyền thông, kết nối nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cố vấn, kết nối đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Đặc biệt, trong hoạt động ươm tạo, kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, các cơ quan Nhà nước chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm khởi nghiệp và đưa ra thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, hệ sinh thái KNĐMST Bến Tre còn sơ khai, chưa có nhiều hoạt động, chương trình lớn hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; đa phần các chính sách vẫn tập trung hỗ trợ hoạt động KH&CN như hỗ trợ đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển doanh nghiệp KH&CN và thị trường công nghệ,... Hiện tại, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp chủ yếu thực hiện thông qua hình thức hỗ trợ đề tài, nhiệm vụ KH&CN, hỗ trợ cho vay của Quỹ phát triển KH&CN như hỗ trợ Dự án Sản xuất nước cốt dừa đóng lon (Công ty Dừa Lương Qưới); Dự án Đầu tư xây dựng và hoàn thiện công nghệ sản xuất mặt nạ dừa từ nước dừa (Công ty Dừa Cửu Long); Dự án Nâng cấp, bổ sung, trang bị hệ thống sấy dừa dây chuyền nhà máy sản xuất dừa sấy giòn Funny Fruit (Công ty TNHH Funny Fruit);… Song song đó, Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND đã ban hành 4 nhóm chính sách trọng tâm, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp với các nội dung hỗ trợ về cố vấn khởi nghiệp trong hiện thực hóa sản phẩm, tư vấn thành lập và định hướng hoạt động ban đầu của doanh nghiệp; miễn phí tham gia các chương trình chương trình ươm tạo, phát triển sản phẩm khởi nghiệp do tỉnh tổ chức; khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong tỉnh tham gia và phấn đấu đạt kết quả cao tại các cuộc thi về khởi nghiệp;…
Tại Đà Nẵng, bà Lê Thị Thục (Phó Giám đốc Sở KH&CN Thành phố Đà Nẵng) cho biết, quá trình xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng đã vận dụng các kinh nghiệm của TP.HCM, đến nay đã và đang triển khai nhiều chính sách như hỗ sợ đổi mới công nghệ (theo Nghị quyết số 35/2024/NQ-HĐND) cho phép hỗ trợ tất cả các đối tượng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện nghiên cứu đổi mới thiết bị công nghệ với mức hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/dự án; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST (theo Nghị quyết số 328/2020/NQ-HĐND) đã hỗ trợ kinh phí triển khai 22,353 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, vườn ươm là 6,1 tỷ đồng; các chính sách hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ, hỗ trợ vốn, hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lương cho doanh nghiệp,… cũng đã được triển khai.
Đà Nẵng cũng chú trọng các hoạt động mang tính liên kết hỗ trợ hệ sinh thái, các hoạt động hợp tác quốc tế, xây dựng giải pháp liên kết hệ sinh thái, nổi bật như Ngày hội KNĐMST thành phố Đà Nẵng được tổ chức hàng năm, Hội thảo quốc tế đầu tư mạo hiểm và thiên thần Đà Nẵng,… Thông qua các sự kiện này, nhiều diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm và thiên thần đã đến với Đà Nẵng, tạo điều kiện cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ tiếp cận được với các chuyên gia, nhà đầu tư trong lĩnh vực ĐMST và khởi nghiệp. Hiện nay, hệ sinh thái KNĐMST Đà Nẵng có 3 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, 9 vườn ươm doanh nghiệp, 6 quỹ đầu tư mạo hiểm và thiên thần,… đang hoạt động; đã hỗ trợ, ươm tạo và phát triển 200 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thục, Đà Nẵng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST, một phần do "chiếc áo quy định" đã quá chật so với thực tiễn tại địa phương. Trong đó, để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp sáng phải thực hiện thông qua hình thức hỗ trợ đề tài nghiên cứu khoa học (nhiệm vụ KH&CN) với nhiều thủ tục, quy định không phù hợp với doanh nghiệp khởi nghiệp, số lượng doanh nghiệp được hỗ trợ mỗi năm cũng bị giới hạn,…
Do vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu đề xuất, tham mưu và ban hành, triển khai thử nghiệm một số chính sách mới nhằm tạo ra cơ chế hỗ trợ linh hoạt, môi trường năng động, thuận lợi thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNĐMST. Đặc biệt, tiếp theo ngay sau TP.HCM, Đà Nẵng đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 về cơ chế đặc thù phát triển Đà Nẵng (tương tự Nghị quyết số 98/2023/QH15 ở TP.HCM) với nhiều nội dung chính sách được kỳ vọng sẽ cải thiện "chiếc áo quy định đã quá chật", thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. Cơ chế đặc đặc thù theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 cho phép hỗ trợ không hoàn lại kinh phí phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo; miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp; thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới; cho thuê cơ sở hạ tầng KH&CN. Đối với nội dung hỗ trợ kinh phí phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo, Đà Nẵng áp dụng 2 hình thức gồm hỗ trợ trực tiếp tại Sở Khoa học và Công nghệ và hỗ trợ thông qua các tổ chức trung gian. Trong đó, hình thức trung gian sẽ hỗ trợ dự án khởi nghiệp ở các giai đoạn tiền ươm tạo (30 triệu đồng/dự án), ươm tạo (60 triệu đồng/dự án) và tăng tốc (80 triệu đồng/dự án); hỗ trợ trực tiếp cho dự án ở giai đoạn phát triển doanh nghiêp với mức kinh phí tối đa 1 tỷ đồng.