09:35, 12/12/2024
Không chỉ góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP, các doanh nghiệp còn tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy sự đổi mới công nghệ và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua các sản phẩm và dịch vụ mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ đang phải đối mặt với những rào cản như quy trình đăng ký kinh doanh rườm rà, thời gian giải quyết bị kéo dài, nhất là với những sản phẩm, mô hình, ý tưởng mới... Điều này làm chậm quá trình khởi nghiệp và tăng chi phí hoạt động. Các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo còn manh mún. Hoạt động triển khai chính sách khởi nghiệp đổi mới cho các doanh nghiệp bị phân tán ở nhiều cơ quan trực thuộc, dẫn đến chồng chéo, thiếu phối hợp và quản lý của cơ quan nhà nước với khởi nghiệp sáng tạo.
Nhằm khắc phục những bất cập nêu trên, ngày 4-12-2024, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 8924/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về xử lý thông tin phản ánh của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Hiện nước ta có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia. Trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai có hiệu quả định hướng về đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”; “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Bên cạnh đó, cần tăng cường nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Gắn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của địa phương, cơ quan, nhất là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đổi mới sáng tạo phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực và là nguồn lực chủ yếu. Trước mắt, tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bảo đảm dễ dàng tiếp cận các nguồn lực tài chính và hạ tầng cần thiết cho sự phát triển. Ngoài ra, tăng cường phối hợp, liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp; xây dựng các giải pháp thực hiện chương trình đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn…
Chúng ta cũng cần thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (ngày 1-10-2024), đó là: "Thể chế phải thông thoáng, hạ tầng phải thông suốt, quản trị phải thông minh và hợp tác, trao đổi quốc tế chặt chẽ, hiệu quả". Có như thế, Việt Nam sẽ sớm vươn lên trở thành một quốc gia khởi nguồn của đổi mới sáng tạo, có khả năng làm chủ công nghệ, vươn tầm khu vực và thế giới.