14:02, 02/12/2024
Nhiều địa phương, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đang phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại ở nước ngoài, kêu gọi vốn… để hỗ trợ các startup phát triển, thương mại hóa sản phẩm.
Thông tin được nêu tại Diễn đàn chính sách cấp cao về khởi nghiệp sáng tạo chủ đề "Từ địa phương ra quốc tế" tổ chức chiều 26/11 trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) năm 2024.
Chia sẻ kinh nghiệm của Đà Nẵng, ông Võ Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cho biết thành phố có hơn 10 năm xây dựng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong thời gian này, Đà Nẵng ươm tạo gần 200 dự án, có 9 vườn ươm, 10 không gian làm việc chung...
Từ năm 2017 đến nay, Đà Nẵng dành gần 22 tỷ hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 6,1 tỷ cho hoạt động ươm tạo, hỗ trợ dự án khởi nghiệp trong đại học. Với doanh nghiệp, thành phố có chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, sở hữu trí tuệ... giúp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.
Ông Võ Đức Anh cho biết, các hoạt động kết nối đa phương, mở rộng hợp tác với Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ... cũng được Đà Nẵng triển khai từ năm 2017.
Năm 2024, Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn đầu tư thiên thần và mạo hiểm (Danang Venture and Angel Summit) mời 10 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Diễn đàn thu hút 30 dự án trong nước và quốc tế tới gọi vốn pitching, biến Đà Nẵng thành thị trường gặp gỡ, gọi vốn, kết nối đầu tư. "Thông qua mạng lưới kết nối toàn cầu của địa phương, một số dự án khởi nghiệp của Đà Nẵng đã xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản và nhiều quốc gia khác", ông Đức Anh nói.
Theo ông Anh, Đà Nẵng vừa được Trung ương thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù với các nhóm chính sách hỗ trợ miễn thuế cho startup; miễn thuế trong hoạt động mua bán, chuyển nhượng, góp vốn của các hoạt động đầu tư; miễn giảm thuế thu nhập các nhân; sử dụng tài sản công hỗ trợ cho thuê không qua đấu giá cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát mô hình kinh doanh, công nghệ mới. Đây được coi là những lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng trong thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và hợp tác quốc tế.
Chia sẻ kinh nghiệm tại Hàn Quốc, ông Park Dae Hee, Chủ tịch Trung tâm kinh tế sáng tạo và đổi mới TP Daejeon (CCEI), cho biết CCEI có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, startup kết nối toàn cầu giúp họ phát triển thị trường. Đơn vị này có nhiều ký kết với đại học các nước trong đó có Việt Nam. Việc hợp tác nhằm tạo môi trường giao lưu, kết nối, đào tạo cho sinh viên hai nước. "Các hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế giúp CCEI đào tạo hơn 5.000 startup, phát triển cơ hội việc làm cho 30.000 người", ông Park Dae Hee nói.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc BK Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhìn nhận hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hiện khá đầy đủ trong các cấu phần, song sự kết nối chưa được như kỳ vọng.
Đánh giá cao hiệu quả hợp tác, kết nối quốc tế, song ông Dũng gợi ý thêm sáng kiến hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đại học cao đẳng Việt Nam (VNEI) với sự tham gia của hơn 70 trường. Mục tiêu đưa ra sáng kiến này nhằm tăng cường vai trò của đại học trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia. Sự kết nối các trường đại học nhằm hỗ trợ, đồng kiến tạo các dự án liên trường, liên ngành cũng như kết nối nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Theo ông, hiện Việt Nam chưa có đại học nào có công viên đổi mới sáng tạo. Do vậy các đại học cần kết hợp các tập đoàn, doanh nghiệp với sự hỗ trợ cơ quan nhà nước thực hiện việc này.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nhấn mạnh giai đoạn tới hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam cần các thành tố mới, đó là các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp lớn với vai trò đầu tư, sử dụng các kết quả của tổ chức khởi nghiệp. Vì vậy cần chính sách phù hợp để thúc đẩy hệ sinh thái phát triển.
Techfest Việt Nam là một trong những sự kiện trọng điểm do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng. Kể từ năm 2015, Techfest Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Quảng Ninh...
Năm nay chương trình phối hợp với UBND Thành phố Hải Phòng, triển khai bởi Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (Natec), Sở KH&CN Thành phố Hải Phòng. Sự kiện diễn ra tại khách sạn Pullman, số 12 Trần Phú, quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Chương trình là sự kiện thường niên lớn nhất dành cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam nhằm quy tụ các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp uy tín trong và ngoài nước để đưa ra các định hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.