08:53, 02/12/2024
Những năm qua, Việt Nam được coi là điểm sáng khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực với khả năng thu hút đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng còn nhiều điểm nghẽn trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, khả năng kết nối các thành phần hệ sinh thái và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Vượt qua “mùa đông” gọi vốn
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sau đại dịch COVID-19, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới bước vào giai đoạn “mùa đông” với dòng vốn bị đứt gãy, nhiều quốc gia phải bơm tiền để duy trì hệ sinh thái, khái niệm chống chịu được sử dụng thay cho khái niệm tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng kể. Năm 2023, dòng vốn chảy vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đạt trên 500 triệu USD. Năm 2024, kỳ vọng con số tương tự trong bối cảnh thị trường khó khăn hơn năm 2023 và nhiều quốc gia tăng trưởng âm.
Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tính từ khi triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia từ năm 2016”, Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Từ quốc gia xếp thứ 5/6 nước lớn ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam đã vươn lên xếp hạng 44/133 quốc gia trên thế giới. Cùng với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Iran và Marocco, Việt Nam là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình cải thiện thứ hạng nhiều nhất tính từ năm 2013. Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 14 năm liên tiếp, luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Chính sách cấp cao về khởi nghiệp sáng tạo - sự kiện trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2024 đang diễn ra ở Hải Phòng (ngày 26-28/11), các chuyên gia cho rằng, có nhiều điểm nghẽn khiến hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam chưa có bước phát triển mang tính đột phá, trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh nêu thực tế, Việt Nam chưa có một hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, đang nằm đâu đó trong các văn bản pháp luật khác nhau. Nhiều nội dung nằm trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, nhiều chính sách của hệ sinh thái, khởi nghiệp sáng tạo của các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo đang được sử dụng như các chính sách của doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Điều này có thể phù hợp cho giai đoạn đầu nhưng khi hệ sinh thái của chúng ta đã trưởng thành, bước sang giai đoạn mở rộng kết nối thì cần thiết phải xây dựng chính sách phù hợp với bản chất, quy mô, tiềm năng, định hướng phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”, Thứ trưởng nêu.
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ câu chuyện ở cố đô, một nhà đầu tư Hàn Quốc có mô hình kinh doanh mới, họ muốn thuê một địa điểm là tài sản công nhưng chúng ta chưa có chính sách ưu tiên cho những nhà khoa học hay viện nghiên cứu ở nước ngoài về đây, thay vì phải đấu thầu lựa chọn điểm thuê tài sản công. “Chúng ta cứ nói thương mại hóa kết quả nghiên cứu nhưng chính sách về sở hữu trí tuệ, sở hữu kết quả nghiên cứu của nhà khoa học vẫn chưa được hoàn thiện”, ông Thắng nhận định.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù
TPHCM là địa phương đứng đầu cả nước về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, thành công của địa phương bắt nguồn từ lợi thế là trung tâm kinh tế hàng đầu, có nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn tài chính dồi dào và là vùng đất hội tụ đa văn hóa. Tuy nhiên, năm 2016, thành phố chưa có tên trong bảng xếp hạng thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Để lọt vào danh sách này, địa phương đã xây dựng một loạt chính sách, giúp hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ngày càng rõ nét hơn và đạt được thành tựu nhất định. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng còn 3 thách thức lớn cần giải quyết. Thứ nhất là sự kết nối, chia sẻ của các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là hợp tác giữa các start - up với doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tính dẫn dắt ở địa phương. Hai là, việc bám sát nhu cầu thị trường từ khu vực trường đại học, viện nghiên cứu còn quá yếu. Ba là, hệ thống chính sách quốc gia cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. “Vừa qua, có một số chính sách đã góp phần tháo gỡ được khó khăn nhưng vẫn rất cần một chiến lược, chính sách rất đồng bộ, hiệu quả ở tầm quốc gia cho lĩnh vực này”, ông Dũng nhận định.
Ông Park Dae Hee, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo của TP.Daejeon, Hàn Quốc (nơi được mệnh danh là “thung lũng silicon châu Á” với 26 trung tâm nghiên cứu của nhà nước, hơn 200 trung tâm nghiên cứu thuộc các trường đại học) chia sẻ, một trong những nguyên nhân thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo là thúc đẩy sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu với Trung tâm Đổi mới sáng tạo và các cơ quan hoạch định chính sách của nhà nước.
Đại diện TPHCM cũng chia sẻ các giải pháp giải quyết thách thức trên. Trong đó có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, với điều kiện hợp tác 3 nhà (nhà nước, doanh nghiệp và viện nghiên cứu - trường đại học). Thúc đẩy thương mại hóa các nghiên cứu thông qua sàn giao dịch công nghệ TPHCM. Thành phố đang xem xét, ban hành kế hoạch 5 năm hỗ trợ thúc đẩy các trường đại học trên địa bàn phát triển theo mô hình đại học khởi nghiệp, hướng tới việc hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ, vườn ươm đổi mới sáng tạo ngay trong trường đại học cũng như hỗ trợ chính sách gắn kết kết quả nghiên cứu với chuyển giao, giúp trường hình thành các trung tâm nghiên cứu mạnh.
Ông Hồ Thắng chia sẻ, Huế là địa phương gặp nhiều thách thức trong thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo bởi yêu cầu phát triển gắn với bảo tồn, không có nguồn lực tài chính dồi dào và chịu tác động mạnh mẽ của thiên tai. Dù vậy, thành phố đã tìm lối đi riêng như ban hành Đề án cố đô khởi nghiệp, không chỉ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mà còn xây dựng nền móng, tạo môi trường như thu hút nhân lực chất lượng cao, xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi cho dự án tiềm năng. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh lựa chọn ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nông nghiệp bền vững. Nhờ vậy, năm 2021, Huế vinh dự là một trong 3 địa phương trên toàn quốc được Chương trình khởi nghiệp quốc gia chứng nhận đạt danh hiệu địa phương cống hiến tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp, năm 2022 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vinh danh thành phố hấp dẫn về khởi nghiệp sáng tạo. Ông Thắng cho biết, thành phố đang đẩy mạnh hội nhập và liên kết quốc tế, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ để thúc đẩy hơn nữa khởi nghiệp sáng tạo của địa phương.