08:34, 02/12/2024
Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up), chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Trong đó, hai doanh nghiệp được định giá hơn 1 tỷ USD, 11 doanh nghiệp hơn 100 triệu USD và một số doanh nghiệp đang ở ngưỡng cận "kỳ lân". Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang ở giai đoạn đầu của vòng đời phát triển.
Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được coi là động lực mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội, do đó, hành lang pháp lý đang được tập trung xây dựng, hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho lực lượng trẻ, năng động này. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo không chỉ mang đến những sản phẩm dịch vụ mới lạ mà còn tiên phong trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của đất nước.
Đã có nhiều ứng dụng, nền tảng số phục vụ cuộc sống, như thanh toán di động (MoMo, VN Pay), gọi xe (Be), đặt đồ ăn (ShopeeFood), các giải pháp quản lý doanh nghiệp (Haravan, Sapo), các giải pháp công nghệ xanh, ứng dụng AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh, IoT giám sát quá trình sản xuất nông nghiệp… ra đời và phát triển mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được vinh danh trong Cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, với tiềm năng tăng trưởng nhanh, có khả năng thu hút đầu tư và hợp tác với các đối tác lớn để mở rộng thị trường.
Các doanh nghiệp này là những đại diện tiêu biểu cho tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, sáng tạo tại nhiều sân chơi quốc tế. Mặc dù ảnh hưởng từ bối cảnh chung của quốc tế và khu vực, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vẫn duy trì thu hút lượng vốn đầu tư mạo hiểm, như Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu đã cho thấy, số thương vụ nhận được vốn đầu tư mạo hiểm của Việt Nam tăng 10 bậc, lên vị trí 44/133 quốc gia.
Dù có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vẫn có những điểm yếu. Ngoài các hạn chế phổ biến như thiếu kinh nghiệm quản lý, khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thiếu kỹ năng chuyên môn, chiến lược kinh doanh không rõ ràng, rủi ro cạnh tranh cao, gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định pháp lý, thiếu kênh phân phối hiệu quả thì có hai điểm yếu đáng chú ý khác.
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo lựa chọn những vấn đề dễ giải quyết hoặc ít rủi ro, thay vì những thách thức lớn hơn, có tiềm năng tạo ra giá trị cao. Điều này có thể do thiếu tự tin, tâm lý sợ thất bại hoặc thiếu thông tin về nhu cầu thật sự của thị trường. Hậu quả là doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội để đổi mới và phát triển các giải pháp đột phá; sản phẩm, dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường, dẫn đến không thu hút được khách hàng hoặc nhà đầu tư.
Thứ hai, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào thị trường nhỏ, chưa có kinh nghiệm để nhận thức và khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh khi bước vào giai đoạn mở rộng quy mô thị trường, dẫn đến khó điều chỉnh chiến lược kinh doanh, không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp mạnh trên thị trường và thất bại trong thu hút đầu tư vì các quỹ đầu tư thường tìm kiếm những doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp cần nghiên cứu sâu thị trường, tập trung vào việc giải quyết các vấn đề lớn, cấp thiết và có ý nghĩa xã hội, thay vì chỉ chọn những vấn đề có tính "an toàn" cao. Bên cạnh đó, cần đánh giá và có giải pháp xử lý các vấn đề có thể xảy ra ở giai đoạn mở rộng quy mô ngay từ giai đoạn đầu xây dựng sản phẩm, dịch vụ.
Cùng với đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách, thể chế để hỗ trợ toàn diện và tạo lập môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển. Trong đó, cần tập trung khơi thông, thu hút nguồn lực về vốn, cơ sở hạ tầng, chuyên gia, thúc đẩy hợp tác quốc tế về đào tạo nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo để hỗ trợ, đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.