16:37, 30/11/2024
GRP không chỉ là công cụ giảm thiểu các rào cản pháp lý mà còn góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của doanh nghiệp. Bằng cách đơn giản hóa các quy định, minh bạch hóa quy trình, giảm gánh nặng hành chính, TP.HCM đang phấn đấu để tạo nền tảng vững chắc cho một môi trường kinh doanh thân thiện và hiệu quả.
Sáng ngày 29/11/2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức buổi tập huấn về thực hành xây dựng thể chế, quy định tốt GRP. Sự kiện mang đến một diễn đàn trao đổi chuyên sâu về phương pháp và công cụ quản lý hiện đại nhằm cải thiện chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị công tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Mai Phương (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) cho biết, thủ tục hành chính phức tạp không chỉ gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp mà còn làm giảm hiệu quả quản lý của Nhà nước. Những năm gần đây, Việt Nam bắt đầu triển khai nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, trong đó có việc xây dựng và thực thi các thể chế, quy định nhằm phù hợp với yêu cầu thực tế, cụ thể qua việc cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện... Trong bối cảnh đó, với tiềm năng cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường niềm tin của công chúng, khả năng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định tốt GRP (Good Regulatory Practices) được kỳ vọng sẽ tạo đà bật cho môi trường kinh doanh hiện đại, trở thành lợi thế cạnh tranh lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế.
Theo bà Phương, GRP được hiểu là tập hợp những quá trình, hệ thống, công cụ, phương pháp đã được các tổ chức quốc tế công nhận, giúp xây dựng, thực thi các quy định/chính sách một cách hiệu quả, minh bạch, toàn diện và bền vững.
BAOCAOVIENTaphuan2911.png
Bà Nguyễn Thị Mai Phương (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) trình bày các nội dung tại buổi tập huấn.
Cụ thể, các quy trình của GRP gồm: hệ thống rà soát các quy tắc và quy định hiện tại; hệ thống kiểm tra và cải thiện các quy tắc và quy định mới; phương pháp để tham vấn và góp ý với các bên có liên quan; các sáng kiển để cải thiện việc thực thi quy định; tiếp cận về các thực hành đổi mới trong quản lý quy định. Hỗ trợ cho từng quy trình là các công cụ tương ứng: đánh giá sau thực thi – chương trình rà soát và cắt giảm gánh nặng thủ tục hành chính; đánh giá tác động quy định/ RIA – RIS; tham vấn công chúng, thông báo và góp ý; chiến lược tuân thủ/ cải cách thực thi và kiểm tra; quy định linh hoạt – Agile Regulation/ Regulatory Sandbox, quy định dựa trên nguyên tắc đạo đức, nghiên cứu hành vi/ chiến lược tầm nhìn.
Trên thế giới, GRP đã được áp dụng tại nhiều quốc gia như Anh, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Singapore... giúp cải thiện môi trường pháp lý, tăng cường năng suất lao động và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nguyên tắc của GRP như minh bạch, tham vấn cộng đồng, đánh giá tác động quy định (Regulatory Impact Assessment - RIA), rà soát sau thực thi đã trở thành “tiêu chuẩn vàng” để đảm bảo hiệu quả và sự đồng thuận khi ban hành chính sách. Nhìn lại trong nước, Việt Nam cũng đã áp dụng các công cụ của GRP trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật như RIA từ 2008, tham vấn công chúng đối với các dự thảo và đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việc áp dụng GRP sẽ tạo ra những quy định dễ hiểu hơn, giảm chi phí và thời gian tuân thủ cho doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế. Không chỉ vậy, GRP còn hỗ trợ xây dựng các khung pháp lý nhất quán, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Dù có nhiều tiềm năng, việc triển khai GRP tại Việt Nam vẫn đối mặt với các thách thức như nhận thức chưa đồng đều, thiếu sự phối hợp giữa các cấp quản lý và hạn chế về nguồn lực. Trao đổi tại buổi tập huấn, bà Phương cũng đề xuất các hoạt động ngắn hạn nhằm thực hiện hiệu quả GRP gồm: nâng cao nhận thức và tăng cường cam kết thông qua các diễn đàn, hội nghị và chiến dịch tuyên truyền; tổ chức các buổi đào tạo nghiêm túc, xây dựng kỹ năng thực thi GRP; thực hiện các chương trình thí điểm, từ đó rút ra bài học để triển khai trên diện rộng; tận dụng công nghệ số để cải thiện hiệu quả quản lý và giám sát quy định; thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh lành mạnh giữa các tỉnh, ngành trong áp dụng GRP; phát động phong trào GRP, tạo động lực mạnh mẽ cho các bên tham gia; thể chế hóa GRP, đưa GRP vào khung pháp lý quốc gia; tận dụng GRP như một thế mạnh bền vững, nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam trong thu hút đầu tư.
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi về những nội dung liên quan đến vai trò, tầm quan trọng của xây dựng thể chế, quy định tốt trong cải cách thủ tục hành chính, nhằm đảm bảo kết quả của các chính sách/quy định được ban hành hiệu quả, minh bạch, toàn diện và bền vững. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình xây dựng thể chế, quy định tốt để cải cách thủ tục hành chính của một số quốc gia trong khu vực nhằm cải thiện chất lượng môi trường pháp lý cho doanh nghiệp, người dân và xã hội.
Chương trình tập huấn ngày 29/11 không chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, mà còn đặt nền móng cho việc áp dụng GRP trên phạm vi rộng hơn trong cả nước. Thông qua việc triển khai hiệu quả GRP, TP.HCM sẽ tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong cải cách hành chính, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.