10:08, 28/11/2024
Khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Trên cơ sở đó, các chính sách ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đã phát huy hiệu quả giúp khuyến khích sự thành lập các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến cuối năm 2023, cả nước có gần 3,800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Một số ngành đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể kể đến như: ngành công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính,... kể cả trong các lĩnh vực truyền thống như du lịch, bất động sản...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thời gian qua cho thấy, các quy định pháp luật về ưu đãi thuế đối với đối tượng là các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Từ đó dẫn đến các chính sách ưu đãi vẫn chưa phát huy hiệu quả khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, hình thành những động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh mới.
Những hạn chế, bất cập
Trước hết, các chính sách ưu đãi đối với đối tượng DNNVV khởi nghiệp sáng tạo hiện nay chủ yếu được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (Điều 10): hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường. Tuy nhiên, quy định này đến nay chưa triển khai được do Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và các văn bản quy định chi tiết hiện hành hiện chưa có quy định cụ thể về mức thuế suất ưu đãi mà DNNVV nói chung và DNNVV khởi nghiệp sáng tạo nói riêng được hưởng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, nhà đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn đối với khoản đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP hiện hành không có đối tượng là khoản đầu tư vào DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, chính sách ưu đãi này hiện cũng chưa được triển khai trên thực tế.
Đặc biệt, dù được xem là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của nền kinh tế, nhưng đối tượng là các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo được hưởng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hiện chưa được quy định cụ thể. Điều này dẫn đến các địa phương còn lúng túng trong việc áp dụng các chính sách ưu đãi đối với đối tượng các doanh nghiệp nói chung và các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo nói riêng.
Giải pháp hoàn thiện
Nằm trong bối cảnh chung của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang trong giai đoạn mới hình thành nên còn chưa cụ thể. Điều này có nghĩa là cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cụ thể như:
Thứ nhất, bổ sung quy định cụ thể về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo đối với một số nội dung như: mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn và giảm thuế, thời gian được hưởng ưu đãi,... Theo đó, việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian đầu mới thành lập, thường do đa phần không mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu thời gian miễn thuế kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Do đó, người viết cho rằng, tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), nghiên cứu quy định việc miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp được áp dụng trong 05 năm đầu kể từ khi thành lập doanh nghiệp (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầu tiên). Sau thời gian này, có thể áp dụng mức thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế suất thông thường trong thời gian 10 năm tiếp theo. Qua đó, tạo điều kiện để những doanh nghiệp này tiết giảm chi phí, có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất kinh doanh từ phần tiền thuế được giảm nhưng cũng đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Thứ hai, quy định cụ thể về các ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cũng như các chính sách ưu đãi khác. Cụ thể, những ngành, nghề, lĩnh vực có thể bao gồm các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn như : công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch...
Thứ ba, để tránh các trường hợp doanh nghiệp thành lập các công ty con để được hưởng chính sách nêu trên thì cần bổ sung thêm điều kiện không áp dụng đối với doanh nghiệp là các công ty tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con mà công ty mẹ nắm giữ một tỷ lệ phần trăm nhất định, có thể từ 25% - 30% tùy theo quy định pháp luật do Chính phủ ban hành.