10:07, 28/11/2024
Lịch sử đại học (ĐH) thế giới đã phát triển qua ba thế hệ: Thế hệ thứ nhất bắt đầu từ thế kỷ 11, chỉ thuyết giảng với định hướng đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ nhà thờ. Tuy nhiên, suốt một quãng thời gian dài từ khi xã hội phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là vào thời điểm của những cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên thì không có sự đóng góp của các trường ĐH. Mãi đến thế kỷ 18, mô hình ĐH thư shai là định hướng nghiên cứu mới ra đời, điển hình là ĐH Humboldt ở Đức. Sản phẩm của mô hình này ngoài nguồn nhân lực còn có các ấn phẩm khoa học, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội.
Và những năm 70 của thế kỷ trước, ĐH thế hệ thứ ba đã xuất hiện, theo định hướng ĐMST. Nghĩa là không chỉ đào tạo sinh viên, nghiên cứu và viết báo mà còn chú trọng đến phát minh sáng chế, chuyển giao công nghệ, chuyển giao tri thức…Nhờ vậy, ĐH thế hệ thứ ba đã trở thành lực lượng sản xuất đóng góp trực tiếp và là động lực cho sự phát triển của nhiều quốc gia.
Hiện, mô hình ĐHKN ĐMST còn khá mới ở Việt Nam nhưng ở một số nước ASEAN, ví dụ như ở Indonesia, từ 2010 trở lại đây, các trường ĐH công lập nước này đều có xu thế chuyển sang mô hình ĐHKN ĐMST. Đó cũng là xu thế tất yếu với bất kỳ quốc gia nào. Chúng tôi có làm nghiên cứu so sánh lịch sử phát triển của các trường ĐH và lịch sử gia tăng GDP của các nước trên thế giới thì rõ ràng, giai đoạn ĐH thế hệ một, GDP một nước gần như chỉ vài trăm USD. Đến ĐH định hướng nghiên cứu, GDP các nước tăng lên một chút nhưng GDP chỉ nhảy vọt, tăng trưởng mạnh mẽ khi hệ thống ĐH chuyển sang mô hình ĐHKN ĐMST. Do đó, nếu không thực hiện ĐHKN ĐMST thì giấc mơ thịnh vượng của các quốc gia không bao giờ trở thành hiện thực được.
5 thành tố cho mô hình ĐHKN ĐMST
Mô hình ĐHKN ĐMST đang giúp nhiều quốc gia trên thế giới trở nên thịnh vượng, có năng lực cạnh tranh cao. Do đó, các trường ĐH Việt Nam cần quan tâm, xây dựng mô hình này ngay. Trong đó, cần chú ý 5 thành tố chính sau:
Thứ nhất: Lãnh đạo, ban giám hiệu trường ĐH phải có quyết tâm xây dựng trường theo mô hình ĐHKN và thể hiện trong chiến lược của mình. Trên cơ sở đó, phải xây dựng tinh thần khởi nghiệp ĐMST, không chỉ cho giảng viên, sinh viên mà cả cho các nhân viên phục vụ.
Thứ hai: Xây dựng được hệ sinh thái ĐMST. Cụ thể là cơ sở vật chất để làm phòng thí nghiệm, giảng dạy và đặc biệt là có những không gian ĐMST. Trong giai đoạn 4.0 hiện nay, cũng cần tích hợp môi trường số vào hệ sinh thái ĐMST này.
Thứ ba: Các trường không phải đào tạo theo kiểu truyền thống để đáp ứng những chỉ số đánh giá chất lượng giảng dạy qua tỷ lệ sinh viên có việc làm, mà phải qua tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp được. Vì khởi nghiệp không những tạo ra việc làm cho bản thân mà còn tạo việc làm cho người khác, giảm tình trạng thất nghiệp. Đặc biệt, chỉ có khởi nghiệp thì mới làm chủ và nâng cao tính tự cường của dân tộc. Để làm được điều này, các trường phải đào tạo định hướng khởi nghiệp, đòi hỏi không chỉ có đội ngũ giảng viên hàn lâm tốt mà còn phải có đội ngũ mentor hướng dẫn tinh thần, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên.
Thứ tư: Các trường không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu hàn lâm để có công bố quốc tế mà phải hướng đến phát minh sáng chế, đặc biệt là phải làm ra sản phẩm có thể thương mại hóa được.
Yếu tố cuối cùng là phải luôn có một bộ tiêu chí đánh giá đo lường để xem đã đi đúng hướng chưa và đạt đến mức nào. Từ đó, có những giải pháp cập nhật, cải tiến nâng cao chất lượng.
Trong các yếu tố trên, yếu tố tiên quyết nhất là các trường phải khẳng định chiến lược phát triển ĐH theo định hướng ĐMST. Phải xác định việc triển khai ĐHKN ĐMST là cần thiết, không chỉ với đất nước, với sinh viên mà còn với tất cả các bên có liên quan. Hiện nay, nhiều trường nhầm lẫn ĐHKN ĐMST là chỉ quan tâm đến phát minh sáng chế và thương mại hóa sản phẩm, nhưng thực chất là phải đào tạo nguồn nhân lực có năng lực ĐMST.