09:55, 28/11/2024
Từng được định giá tới 22 tỷ USD và trở thành startup công nghệ giáo dục lớn nhất thế giới, Byju's giờ đây được HSBC nhận định là “không còn giá trị gì”.
Sai lầm của công ty này là mở rộng quá nhanh thông qua các thương vụ sáp nhập. Chỉ trong vòng 6 năm, Byju's đã chi tới 2 tỷ USD để mua lại tới 15 công ty trên khắp Ấn Độ, châu Á và Mỹ. Vấn đề là công ty thực hiện các thương vụ M&A chủ yếu dựa vào tiền của quỹ đầu tư, trong đó cả nguồn tiền “hứa hẹn”.
Khi kinh tế vĩ mô không như kì vọng, các nhà đầu tư không thể thực hiện lời hứa rót vốn cũng là lúc nguồn tài chính của Byju's gặp vấn đề. Nhà sáng lập Baiju Ravindran tiếp tục có thêm quyết định khiến startup chìm trong khoản nợ sâu hơn, lên tới 1,2 tỷ USD từ nguồn vốn đi vay.
Thế nhưng, dù tình hình tài chính bất ổn nhưng suốt 1,5 năm, công ty này vẫn không có giám đốc tài chính. Dù nhà sáng lập khẳng định rằng họ đang tiêu tiền một cách cẩn thận, kĩ lưỡng, nhưng thực tế tình hình tài chính công ty đang phản bác họ. Các nhà đầu tư lần lượt rút chân khỏi kỳ lân đắt giá nhất Ấn Độ, khiến cho công ty này rơi vào tình trạng khủng hoảng tiền mặt.
Thực tế, việc đầu tư dàn trải là sai lầm rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam gặp phải, ngay cả những tập đoàn lớn. TS Nguyễn Đình Đạt, Phụ trách Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Ngoại thương Hà Nội cho biết trên thực tế đã chứng minh rằng đầu tư đa ngành vào các lĩnh vực nhưng các lĩnh vực không bổ trợ lẫn nhau thì rất dễ dẫn đến thất bại...
Trong khi đó, ở các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới luôn tập trung vào lĩnh vực chính của mình. Trong một buổi gặp mặt với phóng viên, trước câu hỏi: “Bí quyết để giúp cho những doanh nghiệp thành công”, bố của tỷ phú Bill Gate là ông William H. Gates, cũng là chủ tịch một hãng luật nổi tiếng trả lời: “Concentration” (tạm dịch: sự tập trung), tức tập trung nguồn lực vào lĩnh vực thế mạnh của mình, hạn chế đầu tư dàn trải.
Quay trở lại với Byju's, một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư bỏ rơi startup này đó là vì họ sớm nhận ra những sai sót trong chu trình quản lý. Tốc độ luân chuyển nhân sự cao đến mức nhiều trung tâm đào tạo trực tiếp bị trống rỗng. Điều này gây khó khăn trong việc duy trì chất lượng giảng dạy. Trong khi đó, nhu cầu tham gia các lớp học trực tuyến lại giảm sút khi đại dịch Covid kết thúc khiến hoạt động công ty thu hẹp.
Công ty này cũng liên tục bị cáo buộc về văn hóa làm việc độc hại và vi phạm quy tắc ngoại hối. Với việc chỉ còn lại CEO Raveendran, vợ và anh trai ông trong hội đồng quản trị, tương lai của Byju's đang bấp bênh hơn bao giờ hết.
Trong cuốn sách “Dặm đường Tôi đi”, ông Võ Quang Huệ, được mệnh danh là “người làm thuê vĩ đại nhất Việt Nam” đã chia sẻ về hành trình làm việc tại các công ty hàng đầu từ BMW, Bosch đến Vinfast. Ông Huệ chỉ ra rằng những cái doanh nghiệp muốn thành công thì phải có cái quy trình rõ ràng, hiệu quả và đảm bảo rằng quy trình này được thực hiện một cách nghiêm túc.
Điều này có nghĩa phải có quy trình thì doanh nghiệp mới có thể hoạt động chỉn chu và doanh nghiệp chỉ kiên quyết làm theo quy trình khi nó đã chứng minh là hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam hay nhiều nơi trên thế giới, rất nhiều doanh nghiệp “làm tắt” hay “ăn bớt” quy trình, dẫn đến hoạt động kinh doanh xáo trộn. Đó là lý do các doanh nghiệp khó phát triển và mở rộng.
Ngược lại, nhiều doanh nghiệp Mỹ có thể mở rộng toàn cầu và rất thành công. Ví dụ McDonald's, tập đoàn kinh doanh hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh có khoảng 38.695 nhà hàng tại 119 quốc gia nhưng đều chung một quy trình, cùng một sản phẩm, từ cách chào của nhân viên đến tất cả các dịch vụ khác hoàn toàn giống nhau, kể cả giá.
“Vì họ đã thiết kế một quy trình hoạt động hết sức đơn giản đến đứa trẻ cấp hai hoàn toàn có thể hiểu và thực hiện được. Chính sự chuẩn hóa và đồng bộ hóa ở mức độ cao đã giúp McDonald's mở rộng được trên phạm vi toàn cầu. Các doanh nghiệp toàn cầu khác cũng vậy, họ có quy trình chuẩn và nhân viên cứ như vậy mà làm, không cần sáng tạo thêm”, TS Đạt lấy ví dụ.