13:49, 25/11/2024
So với pin mặt trời đồng thể, pin mặt trời dị thể a-Si:H/c-Si có cấu tạo đơn giản hơn, quy trình chế tạo không cần công đoạn quang khắc, dễ triển khai ở quy mô công nghiệp.
Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vừa tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu chế tạo pin năng lượng mặt trời dị thể a-Si:H/c-Si”. Đây là nhiệm vụ do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM chủ trì thực hiện, PGS. TS. Đào Vĩnh Ái làm chủ nhiệm nhiệm vụ.
Trong số các loại năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời được xem là nguồn năng lượng xanh, sạch và bền vững. Đi cùng với việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện mặt trời là các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, công nghệ để sản xuất các tế bào pin năng lượng mặt trời (công nghệ nguồn core technology) của hầu hết các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời đều phải nhập từ nước ngoài.
Báo cáo tại buổi nghiệm thu, PGS. TS. Đào Vĩnh Ái cho biết nhóm thực hiện nhiệm vụ đã chế tạo thành công màng bán dẫn điện trong suốt đạt yêu cầu độ truyền trong vùng khả kiến ~85%, điện trở suất (ρ) 10-4 (Ω.cm). Nhóm thực hiện cũng hoàn thành sơ đồ chế tạo pin năng lượng mặt trời dị thể a-Si:H/c-Si kèm bộ số liệu chứng minh hiệu suất đạt được của pin. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện cũng hoàn thành 4 quy trình gồm: quy trình chế tạo lớp đệm silic a-Si:H(i) pha tạp hydro; quy trình chế tạo lớp màng dẫn điện tử; quy trình chế tạo màng dẫn điện trong suốt; quy trình chế tạo điện cực ngón tay.
Được biết, nội dung chính của nhiệm vụ tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu và đưa ra quy trình công nghệ (công nghệ nguồn) chế tạo tế bào quang điện, trên nền Silic (≥ 19%), (mục tiêu này dựa trên căn cứ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg: Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá USD/VND và giá này chỉ áp dụng cho các dự án nối lưới có hiệu suất của tế bào quang điện (solar cell) lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%).
Tế bào pin mặt trời (hay còn gọi là pin năng lượng mặt trời) là linh kiện chuyển đổi trực tiếp ánh sáng mặt trời (năng lượng mặt trời) thành điện năng với hiệu suất chuyển đổi cao hơn các quá trình gián tiếp khác như nhiệt-điện mặt trời... Trong các loại vật liệu quang điện, vật liệu Silic, với hàm lượng dồi dào, chiếm 26% khối lượng của vỏ Trái Đất, chỉ đứng thứ 2 sau nguyên tố oxy, là nguồn vật liệu chính dùng trong sản xuất tế bào pin năng lượng mặt trời trên thị trường thế giới hiện nay. Pin năng lượng mặt trời trên nền vật liệu Silic được chế tạo thành công lần đầu tiên vào năm 1954.