10:51, 20/11/2024
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung (Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, đây là một trong những hoạt động có tính chất chuyên sâu, nhằm hướng dẫn kỹ năng, kiến thức, thông tin, chia sẻ kinh kiệm, trao đổi, giải đáp thắc mắc liên quan các nội dung cụ thể như điểm mới của văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ (SHTT) liên quan đến xác lập quyền đối với kiểu dáng công nghiệp (KDCN); kinh nghiệm xây dựng hồ sơ và xử lý các vấn đề phát sinh đối với đơn đăng ký bảo hộ KDCN. Đại biểu tham dự hội nghị cũng được hướng dẫn cách tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ KDCN trước khi nộp đơn đăng ký; hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký KDCN và xử lý tình huống. Thông qua lớp tập huấn này, Sở mong muốn các đại biểu có thể áp dụng các kỹ năng, kiến thức được trang bị vào thực tiễn hoạt động tại đơn vị, doanh nghiệp của mình.
Tại hội nghị, báo cáo viên của chương trình là bà Nguyễn Thu Trang (Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ) đã trình bày và làm rõ các nội dung về đối tượng của KDCN; thủ tục đăng ký KDCN; thủ tục sửa đổi, bổ sung, chuyển nhượng; quy trình đăng ký KDCN.
Theo đó, việc bảo hộ KDCN có thể áp dụng cho nhiều loại hình sản phẩm (thực phẩm, đồ gia dụng, đồ thời trang, phương tiện, sản phẩm công nghệ, đồ trang trí, đồ dùng văn phòng, đồ chơi, thiết bị điện, vật liệu xây dựng,…). Tuy nhiên, cần nhận biết đúng đối tượng đăng ký bảo hộ KDCN, dựa trên hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp của những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp. KDCN rất quan trọng, sẽ quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng (quyết định mua sản phẩm đó hay không) và dễ bị sao chép, vì vậy, việc đăng ký bảo hộ KDCN chính là bảo vệ tài sản trí tuệ do mình tạo ra.
Về thủ tục đăng ký KDCN, bà Trang hướng dẫn, cần nắm rõ cơ sở pháp lý và chuẩn bị được các tài liệu tối thiểu (gồm tờ khai đăng ký, bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ, bản mô tả KDCN, chứng từ nộp phí/lệ phí). Hồ sơ đăng ký KDCN sẽ bao gồm các tài liệu tối thiểu này và các tài liệu khác kèm theo đơn như giấy ủy quyền, bản sao đơn đầu tiên, tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, tài liệu xác nhận quyền nộp đơn,… Về cơ sở pháp lý, bà Trang lưu ý, cần nắm các quy định và cập nhật những điểm mới, sửa đổi bổ sung của các luật, nghị định, thông tư liên quan như Luật SHTT số 50/2005/QH11 được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009; Luật số 42/2019/QH14 ngày 14/6/2019; Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23/8/2023 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp; Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN ngày 30/11/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp;…
Đối với quy trình đăng ký KDCN, báo cáo viên của lớp tập huấn đã trình bày và hướng dẫn các nội dung cụ thể về quy trình xử lý đơn đăng ký KDNC, thẩm định hình thức, thẩm định nội dung, đánh giá tính mới, thực hành đánh giá sự khác biệt, đánh giá tính sáng tạo, đánh giá khả năng áp dụng công nghiệp,… Cuối cùng là các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ: là đối tượng của KDCN; không vi phạm chính sách của Nhà nước về SHTT; đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên; đáp ứng yêu cầu về tính thống nhất; đáp ứng các điều kiện bảo hộ (tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp).
Được biết, dịp này Sở KH&CN cũng tổ chức các khóa huấn luyện chuyên sâu khác như hội nghị tập huấn Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế (ngày 11/10/2024); lớp huấn luyện Nâng cao năng lực quản trị tài sản trí tuệ cho hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2024 (kéo dài 15 buổi, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, trong thời gian từ ngày 28/10 - 29/11/2024).