15:54, 08/07/2024
Sáng ngày 03/7/2024, tại Hội trường Saigon Innovation Hub (273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) đã diễn ra Hội thảo “Tham vấn chuyên gia và cộng đồng về sàn giao dịch vốn sơ cấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”, chương trình do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức. Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng đại diện các phòng và trung tâm trực thuộc Sở. Đặc biệt là sự góp mặt của cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp Thành phố gồm đại diện các quỹ đầu tư, trung tâm ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, các startup trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội thảo TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, giai đoạn huy động vốn sơ cấp hay giai đoạn đầu khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tồn tại và phát triển.
“Sàn giao dịch vốn cho startup cần tham vấn ý kiến của các bên trong hệ sinh thái với nhiều góc độ khác nhau. Đây là cơ sở để đơn vị cân nhắc trong xây dựng Đề án. Tuy nhiên, mô hình sàn để hoạt động cần tuân thủ các hành lang pháp lý hiện hành”, TS. Nguyễn Việt Dũng khẳng định.
Mở đầu cho phần báo cáo chính của Hội thảo, Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đã trình bày về định hướng xây dựng sàn giao dịch vốn sơ cấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM.
Cụ thể, mô hình sàn giao dịch vốn sơ cấp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhằm huy động vốn từ các nhà đầu tư cho startup ở giai đoạn đầu, tức giai đoạn hạt giống. Mô hình này được tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu nước ngoài, định hướng xây dựng với 6 đặc điểm chính.
Thứ nhất, mô hình hoạt động của sàn cần có khung pháp lý minh bạch với hệ thống quy định hoạt động, quy trình gọi vốn, quyền lợi trách nhiệm các bên khi tham gia sàn, giải quyết tranh chấp... Tính minh bạch là điều kiện để các startup và nhà đầu tư tham gia sàn.
Thứ hai, sàn cần nền tảng công nghệ tiên tiến, an toàn nhằm đảm bảo tính bảo mật, khả năng mở rộng nhằm xử lý lượng lớn giao dịch chính xác và hiệu quả. Tính năng bảo mật nhằm bảo vệ thông tin của các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Thứ ba, sàn cần có quy trình thẩm định và quản lý rủi ro hiệu quả. Nhân sự làm việc tại sàn có đủ trình độ để đánh giá năng lực, các giai đoạn phát triển của startup. Điều này giúp nhà đầu tư có thể xem xét trước khi quyết định rót tiền vào dự án. Ngoài ra, đội ngũ nhân sự của sàn cần có khả năng đánh giá được tính rủi ro nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư cũng như loại bỏ hành vi liên quan gian lận.
Thứ tư, sàn giao dịch cần hệ thống cập nhật thông tin liên tục, đầy đủ về các doanh nghiệp khởi nghiệp và dự án gọi vốn. Điều này giúp nhà đầu tư có thông tin về các dự án, sản phẩm khởi nghiệp tiềm năng, khả năng mở rộng quy mô của doanh nghiệp, đánh giá khả năng rủi ro đầu tư...
Thứ năm, sàn cần có hệ thống cung cấp dịch vụ và hỗ trợ đa dạng như tư vấn pháp lý, tài chính, marketing... nhằm kết nối các dự án khởi nghiệp và nhà đầu tư. Sàn tạo môi trường liên kết doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia và các bên liên quan khác trong quá trình họ hoạt động để phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tốt nhất.
Thứ sáu, sàn có chính sách hỗ trợ kinh phí dự án khởi nghiệp, hợp tác công tư đối ứng vốn hỗ trợ dự án... nhằm thu hút startup tham gia sàn. Nhà đầu tư cũng được hỗ trợ khi tham gia cùng nhà nước tạo sự yên tâm về tính minh bạch thông tin.
Cũng theo Bà Phan Thị Quý Trúc, đề án xây dựng mô hình hoạt động sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ do nhà nước quản lý. Để sàn hoạt động hiệu quả và thành công.
“Phía nhà nước cần có đội ngũ đủ năng lực hiểu biết, đánh giá chính xác những rủi ro, tiềm năng dự án, am hiểu thị trường khởi nghiệp. Như vậy, sàn mới có nhiều người dùng và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại TP.HCM và Quốc gia phát triển”, ThS. Phan Thị Quý Trúc nhận định.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, bà Nguyễn Hương Quỳnh - CEO của BambuUp cho rằng, khi xây dựng hoạt động cho sàn, nhà nước sẽ căn cứ theo quy định luật pháp để đưa ra nguyên tắc, điều kiện để các bên tham gia. Tuy nhiên, nếu xây dựng quá nhiều quy định có thể mất đi tính mở của sàn, nên cần cân nhắc. Rào cản quy định có thể là một trong những nguyên nhân khiến ít người tham gia, dẫn đến sàn thiếu kinh phí hoạt động.
“Nhà nước nên đứng vai trò bảo chứng cho một số nguyên tắc hoạt động của sàn, còn việc vận hành giao cho tư nhân theo mô hình thị trường với sự tham gia tự nguyện các bên”, bà Nguyễn Hương Quỳnh nói.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và đông đảo đại diện đến từ các quỹ đầu tư, trung tâm ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, các startup trong cộng đồng hệ sinh thái khởi nghiệp Thành phố đã cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đóng góp các ý kiến cho Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để sớm hình thành được sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố.
Được biết, ngày 18/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Mới đây, cũng tại Công văn số 2399/VPCP-DMDN ngày 11/4/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 4623/VP-KT ngày 29/4/2024 của Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố về xây dựng Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc huy động vốn trong giai đoạn đầu khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường huy động vốn sơ cấp như nền tảng huy động vốn cộng đồng.
Nhật Linh (CESTI)