5G - Đòn bẩy cho đời sống số ở siêu đô thị hơn 14 triệu dân

10:58, 04/07/2025

Với diện tích trên 6.700 km² và dân số hơn 14 triệu người sau sáp nhập, Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với nhu cầu cấp bách về nâng cấp hạ tầng số. Trong buổi giao lưu trực tuyến do Báo SGGP tổ chức, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp viễn thông đã chia sẻ chiến lược triển khai 5G không chỉ để phủ sóng diện rộng mà còn hướng tới xây dựng nền tảng kết nối thông minh giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Tại Việt Nam, 5G đã được thương mại hóa, mở ra nhiều cơ hội nâng cao chất lượng sống nhờ tốc độ kết nối cao, độ trễ thấp và khả năng hỗ trợ lượng lớn thiết bị. Công nghệ này thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực sản xuất, y tế, giáo dục và giải trí, đồng thời đóng vai trò then chốt trong chuyển đổi số toàn diện - đặc biệt trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh mới vừa chính thức vận hành.


Ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa - Trưởng phòng Phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

Theo ông Nguyễn Trịnh Đình Hòa - Trưởng phòng Phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, trong xu thế Cách mạng Công nghiệp 4.0, 5G là hạ tầng thiết yếu để Thành phố Hồ Chí Minh rút ngắn khoảng cách công nghệ, từ đó hướng đến phát triển bền vững. Thành phố xác định việc tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Mạng lưới Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) là chiến lược ưu tiên nhằm tiếp cận tri thức, chuẩn mực và nguồn lực toàn cầu.

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh: kết nối với các chương trình như “Giao thông thông minh” hay “Chuyển đổi số đô thị” trong khuôn khổ WEF/C4IR để học hỏi kinh nghiệm triển khai 5G thực tiễn. Đồng thời, hợp tác thiết lập sandbox chính sách công nghệ, xây dựng các chuẩn mực cho 5G dùng riêng, quản trị dữ liệu và bảo mật IoT; Bên cạnh đó, tổ chức đào tạo, mời chuyên gia cố vấn và cử cán bộ tham gia vào các trung tâm C4IR tại các nước tiên tiến cũng như thúc đẩy đầu tư từ các tập đoàn công nghệ như Ericsson, Qualcomm, Cisco vào khu công nghệ cao và các dự án PPP… Đặc biệt, tiến hành thử nghiệm và nội địa hóa các khung quản trị do WEF phát triển để đánh giá hiệu quả triển khai 5G trong phát triển đô thị và doanh nghiệp.

5G không chỉ là bước tiến về công nghệ viễn thông, mà còn là nền tảng vận hành sản xuất thời gian thực, kết nối số toàn diện. Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm công nghiệp, xuất nhập khẩu và logistics của cả nước - đang đẩy mạnh ứng dụng 5G tại các khu vực trọng điểm để tăng năng suất và giảm chi phí vận hành. Do đó, cần ưu tiêm các giải pháp sau: Triển khai 5G dùng riêng tại các khu công nghiệp và logistics - Đảm bảo kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp phục vụ tự động hóa; Phát triển nhà máy thông minh - Ứng dụng 5G kết nối robot, cảm biến IoT và hệ thống điều hành MES/SCADA nhằm giám sát, điều khiển và tối ưu quy trình sản xuất; Hiện đại hóa cảng và trung tâm logistics - Sử dụng 5G để điều khiển thiết bị từ xa, giám sát container bằng AI, tự động hóa kho bãi với AGV/AMR; Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp số - Bao gồm hạ tầng mạng, nền tảng quản lý thông minh và hệ thống an ninh mạng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thí điểm và nhân rộng mô hình - Triển khai khu công nghiệp thông minh, kêu gọi đầu tư vào công nghệ 5G - IoT - AI, hợp tác quốc tế để chuẩn hóa mô hình sản xuất thông minh.

Sau khi chính thức hợp nhất vào ngày 01/7/2025, Thành phố Hồ Chí Minh mới đang khẩn trương rà soát và lập kế hoạch phát triển hạ tầng 5G giai đoạn 2025- 2027, với mục tiêu phủ sóng hơn 90% diện tích, bao gồm 100% các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, trung tâm hành chính và khu dân cư đông đúc.

Hiện Thành phố đã có hơn 2.600 trạm BTS 5G, chiếm hơn 20% cả nước và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu phủ sóng của người dân. Tốc độ truy cập đạt trung bình 300 - 400Mbps, vượt xa tiêu chuẩn 100Mbps.

Ngoài ra, các khu công nghệ cao và khu công nghiệp trọng điểm đã được ưu tiên phát triển mạng 5G tốc độ cao cùng hạ tầng cáp quang siêu tốc (trên 1Gbps). Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp cùng lực lượng công an và nhà mạng triển khai tiêu chuẩn bảo mật, yêu cầu kiểm định thiết bị đầu cuối và giám sát mạng thời gian thực nhằm đảm bảo an toàn dữ liệu trong bối cảnh thiết bị IoT gia tăng nhanh chóng.

Trên cơ sở luật pháp hiện hành, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh sáp nhập như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2035, bảo đảm đồng bộ và thống nhất trên toàn địa bàn Thành phố.

 

 

Hãy để lại lời nhắn

Hãy điền thông tin và chúng tôi sẽ liên hệ bạn ngay