TP.HCM: Khai mở "Thành phố sáng tạo" từ mạch nguồn bản sắc văn hóa Việt

17:23, 22/06/2025

Sáng 20/06/2025, Hội thảo “Công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh - Từ bản sắc tới sáng tạo: Động lực mới cho sự phát triển Kinh tế - Xã hội” đã chính thức diễn ra tại SIHUB, số 273 Điện Biên phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, mở màn chuỗi sự kiện trọng điểm InnoCulture 2025. Hội thảo thu hút đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp, cùng nhau kiến tạo những hướng đi chiến lược, biến công nghiệp văn hóa thành động lực phát triển mới cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội thảo “Công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh - Từ bản sắc tới sáng tạo: Động lực mới cho sự phát triển Kinh tế - Xã hội”

Sự kiện do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB) đồng tổ chức. Ngay từ những phút đầu tiên, khán giả đã được chiêm ngưỡng phần trình chiếu công nghệ 3D đặc biệt do công ty Noioiab thực hiện, mang đến một không gian trải nghiệm sống động, gợi mở về chủ đề công nghiệp văn hóa trong bối cảnh hiện đại.

Bà Đặng Thị Luận - Quyền Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB) chia sẻ về ý nghĩa, chủ đề Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Bà Đặng Thị Luận - Quyền Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB), đã nhấn mạnh định hướng chiến lược và quyết tâm của Thành phố trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Bà Đặng Thị Luận đặc biệt nhấn mạnh các mục tiêu cốt lõi theo Quyết định số 4853/QĐ-UBND ngày 25/10/2023 của UBND TP.HCM: đó là xây dựng các sản phẩm chủ lực mang bản sắc Thành phố, thúc đẩy sáng tạo và gia tăng sức cạnh tranh quốc tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với việc xây dựng thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào 08 ngành chủ yếu như Quảng cáo, Điện ảnh, Thiết kế, Du lịch Văn hóa… nhằm cụ thể hóa chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để đạt được các mục tiêu này, Thành phố sẽ đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút đầu tư, phát triển thị trường và mở rộng hợp tác quốc tế.

Tiếp nối chương trình, các bài tham luận chuyên sâu đã mang đến góc nhìn đa chiều về tiềm năng và thách thức của công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Các diễn giả đã chia sẻ những góc nhìn quý báu, đóng góp vào bức tranh tổng thể về ngành công nghiệp sáng tạo này.

Bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc của SIHUB đã có phần chia sẻ vấn đề nguồn lực ban đầu tạo nền tảng cho hoạt động sôi động tại Thành phố

Đầu tiên là phần trình bày của Bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB) về “Nguồn lực hỗ trợ công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”. Bà Lê Thị Bé Ba đã mang đến những thông tin cụ thể về các gói hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là chương trình đổi mới sáng tạo trong công nghiệp văn hóa với các gói hỗ trợ ươm tạo lên tới 400 triệu đồng/dự án. Đây được xem là bệ đỡ vững chắc, tạo nền tảng thiết yếu cho sự phát triển của các sản phẩm văn hóa ứng dụng công nghệ và sáng tạo nội dung, góp phần thúc đẩy các hoạt động sôi động và bền vững của ngành tại Thành phố.

TS. Trịnh Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về phần “Di sản Văn hóa với Phát triển công nghiệp văn hóa”

Tiếp theo, TS. Trịnh Đăng Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài nói chuyện sâu sắc về “Di sản Văn hóa với Phát triển công nghiệp văn hóa”. TS. Trịnh Đăng Khoa phân tích cách thức khai thác và làm mới các giá trị di sản văn hóa truyền thống để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo, độc đáo và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ông cũng là một trong những đại biểu được vinh danh và nhận hoa từ Ban tổ chức.

Tiến sĩ Phạm Huy Quang - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ Hướng tới vị thế UNESCO "Thành phố sáng tạo" trong đào tạo

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, Tiến sĩ Phạm Huy Quang - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về “Hướng tới vị thế UNESCO "Thành phố sáng tạo" trong đào tạo”. Bài tham luận chỉ ra những nỗ lực và định hướng của các cơ sở đào tạo nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên số. Ông cũng là một trong những nhân vật quan trọng được vinh danh tại sự kiện.

Ông Trần Văn Trung - NSƯT Linh Trung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát triển Văn hóa Đông Nam Á đã trình bày chủ đề “Tầm quan trọng của công nghệ vào ngành công nghiệp giải trí - điện ảnh - truyền hình - biểu diễn”

Sau đó, chủ đề "Tầm quan trọng của công nghệ vào ngành công nghiệp giải trí - điện ảnh - truyền hình - biểu diễn" đã được đưa ra. Công nghệ không còn là công cụ hỗ trợ, mà đã trở thành một phần linh hồn của ngành giải trí hiện đại. Từ kỹ xảo điện ảnh, sân khấu ảo, đến nền tảng số phát hành toàn cầu - công nghệ đang mở ra biên giới mới cho sáng tạo không giới hạn. Điều gì đang dần thay đổi cách hoạt động và làm như thế nào chúng ta đón đầu xu hướng đó? Để hiểu hơn về phần này, Ông Trần Văn Trung - NSƯT Linh Trung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát triển Văn hóa Đông Nam Á, đã có phần chia sẻ sâu sắc với tất cả chúng ta về chủ đề này.

 Ông Huỳnh Hoàng Dũng - Co-founder Kính Vạn Hoa - CMO Star Delight đã nói về chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực Công nghiệp văn hóa: khó mà dễ”

Tiếp nối chương trình, Ông Huỳnh Hoàng Dũng - Co-founder Kính Vạn Hoa - CMO Star Delight, đã trình bày về "Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực Công nghiệp văn hóa: khó mà dễ". Khởi nghiệp trong công nghiệp văn hóa tưởng khó vì đòi hỏi sáng tạo, bản sắc và thị trường. Nhưng lại dễ với những ai biết biến cảm hứng thành sản phẩm, biến văn hóa thành trải nghiệm có thể chạm tới trái tim người dùng. Ông Huỳnh Hoàng Dũng đã chia sẻ những câu chuyện thực tiễn và những điều đã thôi thúc những doanh nhân trẻ trên con đường dấn thân vào khởi nghiệp, mang lại cái nhìn đầy cảm hứng cho người tham dự. Ông cũng là một trong những đại diện quan trọng được vinh danh tại cuối chương trình.

Ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Kinh doanh CHÀO SHOW đã có phần chia sẻ về “Gìn giữ phát huy giá trị âm nhạc dân tộc Việt Nam trong thời đại mới”

Cuối cùng, phần chia sẻ về "Gìn giữ phát huy giá trị âm nhạc dân tộc Việt Nam trong thời đại mới" đã khép lại chuỗi tham luận. Âm nhạc dân tộc là tiếng nói của tâm hồn Việt, là giai điệu nuôi lớn ký ức cộng đồng qua bao thế hệ. Trong thời đại mới, gìn giữ không có nghĩa là giữ nguyên, mà là làm mới để âm nhạc truyền thống tiếp tục vang lên giữa nhịp sống hiện đại. Có lẽ không chữa lành nào bằng chữa lành bằng những âm hưởng của âm nhạc, của văn hóa tới mỗi tâm hồn con người trong bộn bề cuộc sống. Là một lưu danh trên hành trình quy tụ âm thanh sống động của âm nhạc truyền thống và hiện đại, CHÀO SHOW đã làm như thế nào? Phần chia sẻ của Ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Kinh doanh CHÀO SHOW đã mang đến những câu trả lời thú vị và thiết thực.

 

Bà Đặng Thị Luận - Quyền Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB) và Ông Nguyễn Tấn Kiệt - Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên thảo luận

Đặc biệt, phiên thảo luận còn có sự góp mặt của Bà Đặng Thị Luận - Quyền Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB) và Ông Nguyễn Tấn Kiệt - Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. Sự hiện diện của hai vị lãnh đạo đã khẳng định sự quan tâm và cam kết của chính quyền thành phố trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời tạo cơ hội để lắng nghe và giải đáp những vướng mắc, đề xuất từ cộng đồng, góp phần định hình những chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Hội thảo không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn là cầu nối quan trọng giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp. Mục tiêu lớn nhất của InnoCulture 2025 là tuyển chọn các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một "Thành phố sáng tạo" theo chuẩn UNESCO.

Ban tổ chức cùng Quý diễn giả chụp ảnh kỷ niệm và trao hoa cảm ơn các Diễn giả tham gia chương trình.

Sự kiện đã khép lại thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển cho ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, sự kiện còn có sự đồng hành của các đối tác quan trọng như Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB), công ty Noioiab và các đối tác khác như Kính Vạn Hoa cũng như Star Delight của ông Huỳnh Hoàng Dũng, cùng với đơn vị CHÀO SHOW đã mang đến các màn hình lớn xung quanh sân khấu, tạo nên không gian giao thoa giữa truyền thống và đương đại, kết hợp với ẩm thực vùng miền độc đáo.

Ban tổ chức cũng kêu gọi cộng đồng tiếp tục đăng ký tham gia hoặc lan tỏa chương trình InnoCulture 2025 để thu hút đông đảo người tham dự, cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa vững mạnh, từ đó tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Buổi hội thảo này chính là bước khởi đầu đầy hứa hẹn, định hướng cho một tương lai phát triển bền vững và sáng tạo dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa độc đáo của Thành phố Hồ Chí Minh.

Hãy để lại lời nhắn

Hãy điền thông tin và chúng tôi sẽ liên hệ bạn ngay