Thành phố Hồ Chí Minh: Công bố Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo - lần đầu tiên có “bản đồ” toàn diện

19:51, 12/06/2025

Sáng ngày 12/6/2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB) đã chủ trì tổ chức Tọa đàm “Tham vấn ý kiến chuyên gia về Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh”. Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên Thành phố có một báo cáo toàn diện, chuyên sâu về hệ sinh thái khởi nghiệp, được kỳ vọng sẽ trở thành “kim chỉ nam” định hướng cho các chính sách và hoạt động hỗ trợ trong giai đoạn phát triển mới. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia hàng đầu, nhà đầu tư, viện - trường, doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức hỗ trợ trong hệ sinh thái.

Toàn cảnh Tọa đàm “Tham vấn ý kiến chuyên gia về Báo cáo Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh”

Trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực khẳng định vị thế là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực, một thực trạng đã được nhìn nhận là hệ sinh thái còn thiếu một “bản đồ tổng thể” được cập nhật và đo lường định kỳ. Nhằm giải quyết khoảng trống này, SIHUB đã tiên phong xây dựng báo cáo với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu chính thống và thiết lập một mốc cơ sở để đo lường tác động của Nghị quyết số 98/2023/QH15. Báo cáo được định hướng cập nhật định kỳ, với các chỉ số động theo quý và chỉ số chuyên sâu theo năm, đồng thời hợp tác với các tổ chức quốc tế như Startup Genome, StartupBlink để nâng cao chất lượng.

Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tại buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh rằng việc xây dựng báo cáo là một trong những hành động cụ thể của Thành phố nhằm triển khai các chỉ đạo quan trọng từ Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Bà Phan Thị Quý Trúc bày tỏ mong muốn buổi Tọa đàm sẽ là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng cùng nhau đóng góp những ý kiến sâu sắc, thẳng thắn. Từ đó, không chỉ giúp hoàn thiện báo cáo mà còn cung cấp những luận cứ giá trị để Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cùng các đơn vị liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ thiết thực, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thành phố và khu vực kinh tế tư nhân.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành BambuUP trình bày “Toàn cảnh thực trạng hệ sinh thái Thành phố Hồ Chí Minh”

Ngay sau đó, bà Nguyễn Hương Quỳnh - Giám đốc điều hành BambuUP, đã trình bày báo cáo tổng quan về thực trạng hệ sinh thái. Báo cáo đã thu thập và hợp lệ hóa dữ liệu từ 1.588 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, 66 tổ chức trung gian, 31 quỹ đầu tư và 80 viện - trường. Dù hệ sinh thái Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá cao với giá trị 5,22 tỷ USD, các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Khảo sát chỉ ra 73,8% doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư , 51,3% gặp áp lực từ cạnh tranh gay gắt. Đáng chú ý, 69% doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ từ chính sách của nhà nước , chủ yếu do thiếu thông tin về quy trình (51,3%).

Bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành Do Ventures trình bày về chủ đề “Phân tích bối cảnh đầu tư khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh”

Tiếp nối chương trình, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Giám đốc điều hành Do Ventures, mang đến bức tranh toàn cảnh về bối cảnh đầu tư. Bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết, dù vốn đầu tư vào hệ sinh thái công nghệ Việt Nam năm 2024 giảm còn 398 triệu USD, thị trường đã phục hồi mạnh mẽ vào nửa cuối năm, cho thấy sự trở lại của niềm tin từ nhà đầu tư. Thành phố tiếp tục là tâm điểm khi thu hút 65% tổng vốn và số lượng thương vụ của cả nước. Đặc biệt, năm 2024 chứng kiến sự trỗi dậy của các lĩnh vực mới. Đầu tư vào Trí tuệ nhân tạo (AI) tăng vọt gấp 8 lần, từ 10 triệu USD năm 2023 lên 80 triệu USD năm 2024. Lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao (AgriTech) cũng tăng trưởng ấn tượng 857%, còn Công nghệ xanh (Green Tech) ghi nhận số thương vụ tăng gấp 2,5 lần.

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB) chia sẻ những đề xuất cụ thể về cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2025 - 2030

Để biến những phân tích thành hành động, ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB), đã đề xuất các cơ chế chính sách cụ thể cho giai đoạn 2025 - 2030. Các đề xuất này được xây dựng dựa trên các Nghị quyết lớn của Chính phủ và thực tiễn của Thành phố, tập trung vào 06 nhóm giải pháp chính: Phát triển cơ sở hạ tầng vật chất và công nghệ; Xây dựng các chính sách đặc thù; Thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt là thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn vốn mồi; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển tiềm lực đổi mới sáng tạo thông qua mô hình đại học khởi nghiệp và Thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp tham phần Thảo luận & Trao đổi

Ban tổ chức, các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp chụp hình lưu niệm khép lại buổi Tọa đàm

Buổi Tọa đàm đã diễn ra thành công với phiên thảo luận sôi nổi, ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Sự kiện không chỉ hoàn thiện một báo cáo mang tính nền tảng mà còn khẳng định quyết tâm của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc xây dựng một Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, bền vững và thực chất hơn, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển đột phá sắp tới.

Hãy để lại lời nhắn

Hãy điền thông tin và chúng tôi sẽ liên hệ bạn ngay