16:49, 30/05/2025
Sáng ngày 30/5/2025, tại Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh - SIHUB (273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Hội thảo "Chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng hướng đến phát triển bền vững". Sự kiện do Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Công ty CP Công nghệ Checkee tổ chức, thu hút đông đảo doanh nghiệp, startup, chuyên gia và nhà quản lý, tập trung vào việc cập nhật chính sách, khám phá giải pháp công nghệ và kết nối nguồn lực nhằm tối ưu hóa chuỗi cung ứng theo hướng xanh và hiệu quả.
Toàn cảnh Hội thảo
Sự kiện là diễn đàn quan trọng để các đơn vị cập nhật chính sách, cơ chế hỗ trợ mới nhất của Thành phố Hồ Chí Minh về phát triển bền vững, đồng thời tạo không gian đối thoại, kết nối giữa chuyên gia, nhà đầu tư và startup giàu kinh nghiệm. Một điểm nhấn của Hội thảo là cơ hội khám phá trực tiếp các giải pháp truy xuất nguồn gốc đa ngành, nâng cao nhận thức về vai trò then chốt của hoạt động này. Công bố Chương trình tuyển chọn GIC 2025 và các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh cũng được cập nhật đến người tham dự.
Ông Trần Ninh Đông - Quyền Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Trần Ninh Đông - Quyền Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh định hướng của Hội thảo là tìm kiếm giải pháp sáng tạo thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững, đồng thời khẳng định cam kết của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc hỗ trợ các chương trình ươm tạo đổi mới sáng tạo.
Ông Trần Ngọc Trung - Phụ trách Văn phòng đại diện khu vực phía Nam, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia (NBC) chia sẻ tại Hội thảo
Với chuyên đề “Thực trạng và cơ sở pháp lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam”, ông Trần Ngọc Trung - Phụ trách Văn phòng đại diện khu vực phía Nam, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia (NBC), chia sẻ mục tiêu: “Mong muốn các anh chị có thêm góc nhìn, biết đâu đó có thêm ý tưởng để có thể đưa vào trong các giải pháp nhằm hướng tới việc phát triển bền vững”. Ông Trần Ngọc Trung phân tích sâu về thực trạng và hành lang pháp lý của truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của mã số mã vạch trong việc minh bạch hóa chuỗi cung ứng và hỗ trợ doanh nghiệp chinh phục thị trường nội địa lẫn quốc tế. Chuyên gia từ NBC cũng cập nhật các xu hướng nổi bật như chuyển đổi mã 1D sang 2D, xác thực thông tin GS1, nhãn điện tử và hộ chiếu số sản phẩm. Ông khẳng định truy xuất nguồn gốc là yếu tố then chốt, nhất là khi hướng đến xuất khẩu và đáp ứng tiêu chuẩn ESG, đồng thời giới thiệu hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng GS1 quốc tế.
Ông Phạm Văn Quân - Chuyên gia Chuyển đổi số Quốc gia, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Checkee chia sẻ tại Hội thảo
Từ góc độ nhà cung cấp giải pháp, ông Phạm Văn Quân - Chuyên gia Chuyển đổi số Quốc gia, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Checkee, trình bày chuyên đề “Chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng”. Ông Phạm Văn Quân cho biết: “Hiện nay Việt Nam chúng ta, trên 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì các doanh nghiệp đang sử dụng chủ yếu là những giải pháp truyền thống, những phần mềm cơ bản”. Mong hướng đến mục tiêu “Minh bạch thông tin sản phẩm - Đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng”, giải pháp của Checkee đang hỗ trợ hiệu quả nhiều doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình, củng cố niềm tin người tiêu dùng và nâng cao giá trị bền vững. Ông Phạm Văn Quân cũng đi sâu phân tích các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho chuỗi cung ứng, từ công nghệ, chiến lược tổ chức, hợp tác hệ sinh thái đến chính sách và đầu tư, đồng thời nhấn mạnh vai trò của truy xuất nguồn gốc qua các ví dụ thực tiễn.
TS. Phạm Thị Hồng Phượng - Giảng viên, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, Khởi nghiệp và Chuyển giao Công nghệ, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tại Hội thảo
Khép lại phần trình bày chuyên đề là phần chia sẻ của TS. Phạm Thị Hồng Phượng - Giảng viên, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đổi mới Sáng tạo, Khởi nghiệp và Chuyển giao Công nghệ, Trường ĐH Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Xu hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp”. TS. Phạm Thị Hồng Phượng đã phân tích bối cảnh toàn cầu, ý nghĩa của mục tiêu Net Zero với Việt Nam, đồng thời cập nhật các quy định, chính sách mới về phát triển bền vững, nổi bật là Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. TS. Phượng cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của ESG trong chuỗi cung ứng, xu hướng giảm phát thải khí nhà kính, yêu cầu báo cáo thực hành ESG và các cơ hội hợp tác, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn.
Bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh công bố Chương trình tuyển chọn GIC 2025 tại Hội thảo
Bên cạnh các chuyên đề, Hội thảo còn là dịp để người tham dự cập nhật thông tin về các gói hỗ trợ tài chính từ Chương trình tuyển chọn GIC 2025 theo Nghị quyết 20, mở ra cơ hội thiết thực cho các dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo xanh.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, Công ty CP Công nghệ Checkee và BEDAYA ALMOSTAQBAL BUSINESSMEN SERVICES L.L.C đã chính thức ký kế hợp tác phát triển thương mại.
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo đại diện từ các startup phát triển mô hình xanh, doanh nghiệp sản xuất - xuất nhập khẩu, đơn vị mong muốn tối ưu chuỗi cung ứng và giảm phát thải, cùng các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và sinh viên. Hội thảo được đánh giá là một diễn đàn giá trị, nơi công nghệ, chính sách và những nỗ lực tiên phong vì một môi trường “Xanh - Phát triển bền vững” hội tụ, cùng kiến tạo tương lai minh bạch, hiệu quả và bền vững hơn cho chuỗi cung ứng Việt Nam.