Thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong khối kinh tế tư nhân  

15:31, 30/05/2025

Sáng ngày 28/5/2025, tại Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh (SIHUB, 273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra Hội thảo “Phổ biến và hướng dẫn hồ sơ công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu và nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước”. Hội thảo do Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, nhằm giúp các đơn vị, tổ chức nắm rõ về thủ tục, quy trình công nhận các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu hiện nay. 

Tham dự Hội thảo về phía Bộ Khoa học và Công nghệ có ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ. Về phía Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ có ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm, ông Chu Quang Thái - Phụ trách Phòng Hỗ trợ phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ cùng sự hiện diện của đại biểu đến từ Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Kon Tum, Khánh Hoà, Đồng Tháp, Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long…; Các trường Đại học như: Trường Đại học Văn Lang, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Thủ Dầu Một… Các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: “Trong 04 Nghị quyết vừa được ban hành như 04 trụ cốt, thì trụ cột đầu tiên rất quan trọng là Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tiếp đến là Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế, Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới cơ chế xây dựng pháp luật và Nghị quyết 68-NQ/TW về kinh tế tư nhân. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, 04 trụ cột này là 04 trục rất quan trọng để giúp phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay. Có thể thấy, mong muốn bây giờ là làm sao KH&CN, đặc biệt là KH&CN trong khối kinh tế tư nhân phát triển mạnh, trở thành những đầu tàu thật sự để kéo đất nước đi lên, giúp vượt qua thuế thu nhập trung bình và chỉ có KH&CN mới giúp ta vượt qua được giai đoạn này. Năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Nguyễn Văn Thắng cam kết rất rõ là có tối thiểu 30% chi ngân sách cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Vì thế, cần có những cách đưa nguồn kinh phí này đi vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động khoa học công nghệ để góp phần tăng trưởng kinh tế nhà nước.”

Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội thảo

Cũng theo ông Trần Xuân Đích, định hướng khi làm hoạt động KH&CN hiện nay, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Mạnh Hùng muốn phải đi “từ đất lên trời” nghĩa là đi từ thị trường, từ doanh nghiệp, sau đó có nhu cầu mới tự nghiên cứu, liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học hoặc đề xuất đặt hàng để làm theo mong muốn của doanh nghiệp, thị trường. Điều này giúp các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng, là trung tâm hỗ trợ phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số trong thời gian tới. 

Về mục tiêu của buổi Hội thảo, ông Trần Xuân Đích đề cập, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ, tạo nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị. Tuy nhiên, không có cơ quan khẳng định, xác nhận, ghi nhận các kết quả. Chính vì thế, theo Thông tư 02, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp công nghệ. Mục đích là để các kết quả nghiên cứu được công nhận, cơ sở để hưởng ưu đãi của nhà nước cho dịch vụ công nghệ… Đồng thời, công nhận về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, từng bước hợp tác với các doanh nghiệp, góp vốn làm tài sản trí tuệ, tạo bước đột phá trong phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS.

Nối tiếp buổi Hội thảo, ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, trình bày tổng thể về mục tiêu, định hướng và kỳ vọng của Hội thảo. Trong đó, ông chia sẻ về quan điểm về bộ ba: KH&CN, ĐMST và CĐS đối với phát triển kinh tế, xã hội quốc gia. Sau đó là mô hình phát triển kinh tế xã hội dựa vào KH&CN, ĐMST tại địa phương. Từ đó, ông đưa ra những cơ hội và thách thức cho Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội trong thời đại chuyển đổi số hiện nay. Đồng thời, trình bày các nội dung của Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sửa đổi và bộ tứ nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của về phát triển kinh tế tư nhân. Nhấn mạnh tầm quan trọng của đột phá KH&CN, những cơ chế đặc biệt, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy KH&CN, ĐMST và CĐS. Cụ thể, là những thách thức phát triển doanh nghiệp KH&CN và Thương mại hóa bao gồm: Rào cản pháp lý và sở hữu trí tuệ; Thiếu tổ chức hỗ trợ và vốn; Quản trị và chính sách chưa phù hợp. Những cơ hội mới được mở ra như dân số vàng và nguồn lao động công nghệ, dòng vốn đầu tư và môi trường thuận lợi… Đưa ra những giải pháp hỗ trợ phát triển như doanh nghiệp làm chủ, phát triển trung tâm ĐMST, đổi mới chính sách và khuyến khích doanh nghiệp… góp phần thúc đẩy phát triển bền vững. 

Ông Nguyễn Văn Trúc - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trình bày về tổng thể về mục tiêu, định hướng để thúc đẩy KH&CN, ĐMST và CĐS

Tiếp đó, ông Chu Quang Thái - Phụ trách Phòng Hỗ trợ phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, trình bày về Nghị định 76/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, trong đó có thủ tục công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu. Đồng thời, trình bày về Thông tư 14/2023/TT-BKHCN về biểu mẫu hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính quy định tại một số điều của Nghị định 76/2018/NĐ-CP. 

Ông Chu Quang Thái - Phụ trách Phòng Hỗ trợ phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ hướng dẫn về những hồ sơ, quy định để ghi nhận kết quả nghiên cứu. 

Theo đó, ông Chu Quang Thái chia sẻ kết quả nghiên cứu là tài sản theo luật Dân sự và Luật Chuyển giao công nghệ, mục tiêu đánh giá và công nhận các kết quả nghiên cứu theo quy định, Thêm vào đó, những bộ tài liệu bắt buộc để các đơn vị, doanh nghiệp có kết quả nghiên cứu  được công nhận cần có, quy trình xử lý đơn xin, quy trình đánh giá của cơ quan có thẩm quyền… Những nội dung thiết thực và hữu ích, đặc biệt với các tổ chức, cá nhân đang có nhu cầu đăng ký công nhận kết quả nghiên cứu.

Cũng tại Hội thảo đại diện đến từ các Sở Khoa học và Công nghệ, các trường viện, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp đã có nhiều câu hỏi về hồ sơ công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ đó đưa ra các giải pháp, hướng đi phù hợp. Cũng như, ý nghĩa của việc công nhận kết quả, những cơ sở chi tiết để các chuyên gia công nhận, thẩm định giá trị các kết quả nghiên cứu, tiêu chí lựa chọn các thành viên trong Hội đồng đánh giá công nhận kết quả nghiên cứu để đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan...  Đồng thời, các đơn vị, doanh nghiệp cũng đã đề xuất những mong muốn về các quy định, chính sách hỗ trợ, sự đồng hành của Nhà nước cùng doanh nghiệp trên hành trình hoạt động KH&CN, ĐMST và CĐS.

Các đại biểu, đơn vị, doanh nghiệp chụp hình lưu niệm 

Hội thảo “Phổ biến và hướng dẫn hồ sơ công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu và nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước” diễn ra tốt đẹp. Góp phần tích cực vào hiện thực hóa những nhiệm vụ quan trọng của “Bộ tứ trụ cột” tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới. 






 



 





Hãy để lại lời nhắn

Hãy điền thông tin và chúng tôi sẽ liên hệ bạn ngay