12:06, 05/01/2024
Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ (DNCN) là tổ chức chuyên cung cấp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp những nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn ban đầu và trưởng thành.
Mô hình vườn ươm DNCN thuộc trường ĐH là mô hình vốn phổ biến trên thế giới. Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ – Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM (HCMC University of Technology – Technology Business Incubator Center, tên viết tắt là HCMUT-TBI) là một trong số ít ỏi vườn ươm DNCN của cả nước hiện nay.
“BƠI” TRONG KHÓ KHĂN
Tại TP.HCM, từ năm 2007 – 2013 đã triển khai chương trình thử nghiệm vườn ươm DNCN thuộc các trường ĐH. Qua đó, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đã hợp tác và hỗ trợ Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM và ĐH Nông Lâm TP.HCM hình thành hai vườn ươm DNCN thuộc trường.
Trước đó, cũng đã có một số vườn ươm DNCN được hình thành trên địa bàn thành phố. Nhưng phải nói rằng, chương trình hỗ trợ này của thành phố đã tạo nên một sức sống mới cho hoạt động ươm tạo DNCN của thành phố. Các vườn ươm đã xây dựng khá hoàn thiện về quy trình ươm tạo và chiến lược hoạt động, tạo tiền đề cho sự phát triển trong tương lai.
PGS. TS. Mai Thanh Phong (ảnh phải) – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, giám đốc HCMUT-TBI, cho biết: “Khi bắt xây dựng HCMUT-TBI, chúng tôi được xem là những người đi đầu, đặt nền móng cho mô hình vườn ươm DNCN thuộc trường ĐH ở Việt Nam. Ai cũng nhận thức được sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức phía trước.”
Thực tế sau năm năm hoạt động đã cho thấy điều đó. Các khó khăn có thể được kể đến như: thiếu kinh phí đầu tư và hoạt động, nhân lực vận hành chưa được đào tạo bài bản, nhận thức của xã hội về ươm tạo DNCN hay sự dấn thân vào DNCN chưa cao, một số chính sách hỗ trợ chưa đi vào thực tiễn, chưa hiệu quả…
Qua quan sát, các vườn ươm DNCN ở TP.HCM nói riêng và trên cả nước nói chung trong những năm qua đều gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến kết quả đạt được chưa được như kỳ vọng. Phần lớn các vườn ươm rất khó khăn để tìm được những ý tưởng kinh doanh tốt.
Không khó lý giải hiện trạng này khi nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp công nghệ từ phía những người làm khoa học lẫn những người làm chính sách còn hạn chế. Điều này dẫn tới sự thiếu hụt về tài chánh lẫn chính sách từ nhà nước, khiến vườn ươm DNCN hoạt động hụt hơi, doanh nghiệp khởi nghiệp bấp bênh.
Một số vườn ươm đã nhận được tài trợ từ nhiều chính phủ và tổ chức nước ngoài, tuy nhiên đến nay phần đông đã gần như tan rã hoặc hoạt động cầm chừng khi gói tài trợ kết thúc, thiếu sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, một số vườn ươm đã đạt được thành tích đáng ghi nhận. Trong đó, Trung tâm Ươm tạo DNCN – Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM (HCMUT-TBI) là một ví dụ điển hình.
NHỮNG BƯỚC ĐI KHỞI SẮC
Do cơ sở vật chất và mặt bằng còn hạn chế, HCMUT-TBI chỉ đủ năng lực ươm tạo cùng lúc 10 doanh nghiệp. Sau năm năm hoạt động, HCMUT-TBI đã và đang ươm tạo hơn 20 doanh nghiệp với thời gian ươm tạo ba năm/doanh nghiệp, và cho tốt nghiệp ba doanh nghiệp với doanh số khoảng 10 tỉ đồng/năm (iNext Technology, Vietcontrol). Đây đều là những doanh nghiệp của các giảng viên, cựu sinh viên, được hình thành và phát triển trên nền tảng kỹ thuật, công nghệ thuộc thế mạnh của trường. Hiện tại, trung tâm có khoảng 10 doanh nghiệp đang ươm tạo.
Ông Phong cho biết: “Trong số 10 doanh nghiệp đang ươm tạo này, đã xuất hiện những điểm sáng đáng ghi nhận và tôi cho là có tiềm năng phát triển. Đó là công ty TNHH Sản Phẩm Thiên Nhiên Bách Khoa (BK Nature). Công ty chuyên phát triển và sản xuất các sản phẩm trên nền tảng hợp chất thiên nhiên. Hiện nay, mỹ phẩm mang thương hiệu Maldala của công ty đã có vị trí trên thị trường.
Ban Lãnh đạo HCMUT-TBI (PGS. TS. Mai Thanh Phong đứng bìa phải) tiếp Ban Quản lý dự án BIPP đến thăm thực tế. – Ảnh: BIPP
Tiếp đến là công ty TNHH GPAT Toàn Cầu. Chủ của công ty này đều là cựu sinh viên của trường. Các em đã tích cực tham gia các hoat động khởi nghiệp với trung tâm khi còn là sinh viên và đã hình thành khá nhiều ý tưởng kinh doanh. Tuy mới thành lập, nhưng với ý tưởng sáng tạo về lĩnh vực thương mại điện tử, GPAT đã có những kết quả nổi bật như: đoạt giải cao của cuộc thi Hackathon và nhận được sự hỗ trợ để tới Mỹ. Các thành viên sẽ được học hỏi kinh nghiệm, kêu gọi đầu tư tại Silicon Valley. Để thuận tiện hơn cho việc kêu gọi đầu tư và đặc biệt là tiếp cận thị trường, GPAT đã mở chi nhánh tại Singapore.
Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp tiềm năng khác như: ENVIBIOCHEM Binh Lan – chuyên về kít đo nhanh chất lượng nước ao nuôi và giải pháp nuôi trồng thuỷ sản; Indefol – chuyên về máy phát điện gió trục đứng và các giải pháp tối ưu sản xuất.”
Vừa qua, dự án “Hỗ trợ Xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp” (tên tiếng Anh viết tắt là BIPP) đã chọn HCMUT-TBI là đơn vị ươm tạo duy nhất phía Nam để tham gia vào dự án.
Theo đó, dự án BIPP sẽ triển khai trong năm năm (2015 – 2019) với tổng ngân sách 4,4 triệu EUR do chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ không hoàn lại (trong số đó, vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam là 400.000 EUR). HCMUT-TBI sẽ được dự án BIPP hỗ trợ thí điểm triển khai một số chính sách, nâng cao năng lực vận hành và hỗ trợ các doanh nghiệp ươm tạo quỹ khởi nghiệp. Mục tiêu của hỗ trợ này là xây dựng một trung tâm ươm tạo DNCN kiểu mẫu, từ đó nhân rộng mô hình.
PGS. TS. Mai Thanh Phong (ngồi bên phải) tại Lễ Ký kết hợp đồng tài trợ dự án BIPP. – Ảnh: Phòng CTCT&SV
“Để nhận được sự hỗ đó, chúng tôi đã thuyết phục Ban Quản lý dự án BIPP bằng chính năng lực và tiềm năng phát triển, bằng tính hiệu quả hoạt động trong thời gian vừa qua của trung tâm” – ông Phong nhấn mạnh.
Theo ông Phong, để phát triển bền vững các trung tâm ươm tạo, qua đó phát triển DNCN, nhà nước cần phải có chính sách mang tính tổng thể và phù hợp cho ươm tạo DNCN. Chính sách phải tập trung hỗ trợ cơ sở ươm tạo và quan trọng hơn là đối tượng được ươm tạo, cụ thể là các DNCN, đồng thời thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Một số nước trong khu vực đã có nhiều kinh nghiệm tốt trong việc xây dựng các cơ sở ươm tạo DNCN như Nhật Bản, Singapore… việc học hỏi những kinh nghiệm từ các nước trên là cần thiết.