16:07, 23/04/2025
Hơn 08 năm chăm sóc người cha bị tai biến và liệt cả tay chân, TS. Hà Thị Xuân Chi - Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) - thấu hiểu sâu sắc những khó khăn trong hành trình phục hồi chức năng cho người bệnh. Từ trải nghiệm cá nhân, cô đã ấp ủ và hiện thực hóa ý tưởng phát triển một thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng mang tên Independence Mobility 3 (IM3), với mong muốn mang lại cuộc sống chủ động hơn cho người sau tai biến.
Ngày 18/4/2025, tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (HCMC - Bệnh viện hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TP.HCM), số 313 Âu Dương Lân, phường 2, Quận 8, TP.HCM, đã diễn ra chương trình kết nối dự án “IM3-Thiết bị tích hợp tự động chuyển đổi vị trí và theo dõi tập luyện người sau tai biến”, được tuyển chọn từ Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công”. Sự kiện do Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phối hợp cùng HCMC tổ chức, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển giải pháp công nghệ, thiết bị mới trong việc trị liệu vật lý và tinh thần cho bệnh nhân sau tai biến.
Tham dự kết nối về phía Sở Y tế có ông Trần Đức Định - Trưởng phòng Công nghệ thông tin. Về phía SIHUB có bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm; bà Nguyễn Thị Loan - Phụ trách phòng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp. Về phía HCMC có ThS. Trần Thị Hoài Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện cùng dự còn có đại diện các Khoa, Phòng chuyên môn. Về phía dự án có TS. Hà Thị Xuân Chi - Trưởng dự án và các thành viên.
Toàn cảnh buổi kết nối dự án IM3-Thiết bị tích hợp tự động chuyển đổi vị trí và theo dõi tập luyện người sau tai biến
Phát biểu tại chương trình kết nối, bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm SIHUB chia sẻ, “IM3-Thiết bị tích hợp tự động chuyển đổi vị trí và theo dõi tập luyện người sau tai biến, được tuyển chọn từ Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công năm 2024 - Saigon Govtech Challenge 2024 (Gov.Star 2024). Thông qua buổi kết nối, Sở Y tế TP.HCM và Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM mong muốn giải pháp này được Ban Lãnh đạo Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp xem xét áp dụng thử nghiệm sản phẩm của dự án”.
Đây là kết nối thuộc chương trình Ươm tạo dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (theo Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM) do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai, nhằm thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ số vào khu vực công, hướng đến một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện và bền vững.
Bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc SIHUB, phát biểu tại chương trình kết nối
Theo TS. Hà Thị Xuân Chi - Trưởng dự án, IM3-Thiết bị tích hợp tự động chuyển đổi vị trí và theo dõi tập luyện người sau tai biến, giúp chuyển đổi tư thế người bệnh từ ngồi sang đứng, đi lại độc lập, phù hợp với mức thu nhập của người Việt Nam.
Thiết bị IM3 là thành quả của nhóm sinh viên trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), dưới sự hướng dẫn của TS. Hà Thị Xuân Chi. Với thiết kế hiện đại, thiết bị này tích hợp nhiều chức năng quan trọng như: Chuyển đổi tư thế ngồi - đứng; Hỗ trợ nâng hạ; Di chuyển linh hoạt 360 độ trong không gian hẹp; Điều chỉnh chiều cao phù hợp với từng người dùng…
Máy gồm 3 bộ phận chính: Bánh xe; hệ thống giá đỡ (đế ngang và thanh trụ đứng); pít-tông và cánh tay đòn kèm đai giữ hông. Máy vận hành dựa trên lực nâng của pít-tông và cánh tay đòn. Khi máy hoạt động, phần pít-tông sẽ hạ cánh tay đòn xuống để đai có thể giữ hông, còn phần đệm dưới ôm lấy mông, rồi đỡ người bệnh.
Không chỉ dừng lại ở phần cứng, IM3 còn đi kèm ứng dụng số hỗ trợ theo dõi tập luyện phục hồi chức năng. Ứng dụng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính (Computer Vision) để ghi nhận kết quả tập luyện, đưa ra đề xuất bài tập cá nhân hóa và hỗ trợ theo dõi tiến trình phục hồi - đặc biệt hữu ích cho những bệnh nhân ở xa trung tâm y tế.
TS. Hà Thị Xuân Chi giới thiệu về IM3
Chia sẻ thêm về ý tưởng tạo ra thiết bị, TS. Hà Thị Xuân Chi cho biết, bản thân cô đã có hơn 08 năm chăm sóc ba bị tai biến, liệt tay, chân và nhận thấy, dù có thiết bị hỗ trợ nhưng việc chăm sóc ba vẫn rất vất vả. Đặc biệt là khi nâng đỡ ba vào nhà vệ sinh, thay quần áo hay thực hiện các sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, nếu người bệnh không được tập luyện, vận động thường xuyên thì các bộ phận sẽ yếu dần đi. Trong khi đó, những sản phẩm giúp người bệnh di chuyển độc lập phổ biến trên thế giới lại có giá thành quá cao, khoảng 400 triệu - 1 tỷ đồng.
“Việc nâng ba vào nhà vệ sinh hay thay quần áo là một quá trình rất vất vả. Nếu không có thiết bị phù hợp, người bệnh dễ bị teo cơ, suy giảm chức năng. Từ nhu cầu thực tiễn đó, chúng tôi tạo ra thiết bị IM3 để không chỉ giúp bệnh nhân di chuyển độc lập mà còn giảm gánh nặng cho gia đình”, TS. Hà Thị Xuân Chi chia sẻ.
Tại buổi kết nối, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về tiềm năng ứng dụng thực tiễn của giải pháp trong việc trị liệu vật lý và tinh thần cho các bệnh nhân bị ảnh hưởng sau tai biến. Đại diện Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến tính hiệu quả của công nghệ và thiết bị IM3, đặc biệt là về chi phí hợp lý (dự kiến chỉ khoảng 60 triệu đồng) và tiềm năng thay thế các thiết bị nhập khẩu đắt đỏ có giá từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng. Các chuyên gia cũng đặt ra nhiều câu hỏi và góp ý thêm cho dự án về phần cứng cũng như phần mềm, trong đó có việc tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của bệnh viện hiện có nhằm hoàn thiện công nghệ và thiết bị cho sản phẩm được gần và sát thực tế hơn.
Các đơn vị chuyên môn của HCMC chia sẻ kinh nghiệm và đặt câu hỏi cho nhóm dự án
Cũng tại chương trình kết nối, ThS. Trần Thị Hoài Thanh - Phó Giám đốc HCMC, đánh giá cao tính ứng dụng của sản phẩm. Thiết bị này góp phần thúc đẩy thói quen hoạt động ở tư thế đứng, vì hiện nay các sản phẩm trên thị trường đa phần là hỗ trợ bệnh nhân ở tư thế ngồi. Theo ThS. Trần Thị Hoài Thanh, khi đứng được, bệnh nhân cũng sẽ chủ động hơn trong sinh hoạt, phục hồi chức năng, từ đó loại bỏ được tâm lý mặc cảm và dễ hòa nhập với cuộc sống hơn. Đó là tính hiệu quả của sản phẩm trong việc trị liệu vật lý và tinh thần.
ThS. Trần Thị Hoài Thanh - Phó Giám đốc HCMC chia sẻ mong muốn được thử nghiệm thực tế sản phẩm tại bệnh viện
Với IM3, người bệnh có thể chủ động hơn trong sinh hoạt hằng ngày, cải thiện tuần hoàn, tăng cường cơ bắp và quan trọng nhất - vượt qua mặc cảm tâm lý để hòa nhập tốt hơn với cuộc sống. Thiết bị này là một minh chứng điển hình cho việc ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe cộng đồng, xuất phát từ tình yêu thương và sự tận tâm của một người con dành cho cha mình - và rộng hơn, là với hàng triệu người bệnh sau tai biến ở Việt Nam.