16:24, 17/04/2025
Việc bảo vệ giá trị sáng tạo thông qua cơ chế bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là yếu tố thiết yếu nhằm khuyến khích đổi mới và phát triển trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp, đặc biệt dưới góc độ quản trị doanh nghiệp.
Ngày 16/4/2025, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (VIPRI - thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức đã tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Một số vấn đề về đánh giá phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp”. Tham dự Hội thảo về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có ThS. Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo; Về phía Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ có TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Quyền Viện trưởng. Về phía Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức có ông Đào Minh Đức - Viện trưởng cùng hơn 50 đại biểu tới từ các trường đại học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu…
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, 04 chủ đề đã được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận như: “Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và ảnh hưởng của lịch sử xác lập quyền” với phần trình bày của TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; “Xác định phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phục vụ đăng ký xác lập quyền: Thực tiễn quản trị của tổ chức” với phần trình bày của LS. Phan Thị Châu - CLB Quản trị viên Tài sản trí tuệ Việt Nam, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Đầu tư Vĩ Long; “Sử dụng khảo sát người tiêu dùng phục vụ đánh giá khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu” với phần trình bày của ThS. Nguyễn Thị Minh Hằng - Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ; “Xác định khả năng phân biệt của nhãn hiệu phục vụ đăng ký xác lập quyền: Thực tiễn trong quản trị của tổ chức” với phần trình bày của ThS. Ngô Phương Trà - Giảng viên Khoa Luật, trường Đại học Tôn Đức Thắng.
TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ trình bày tại Hội thảo
Trong phần trình bày về: “Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và ảnh hưởng của lịch sử xác lập quyền”, TS. Nguyễn Hữu Cẩn - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhấn mạnh, vai trò của sự sáng tạo trong thiết kế công nghiệp. Ông cho rằng, yếu tố hình dáng và màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút người tiêu dùng. Những cá nhân sáng tạo ra các đặc điểm thiết kế độc đáo cho sản phẩm hữu dụng hoàn toàn xứng đáng được bảo hộ thông qua cơ chế quyền sở hữu công nghiệp. Đây chính là cách bảo vệ giá trị sáng tạo, đồng thời thúc đẩy đổi mới và tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ông Đào Minh Đức - Viện trưởng Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức gợi mở một số vấn đề về đánh giá phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Để nâng cao hiệu quả bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, các chuyên gia cũng đã gợi ý cho doanh nghiệp cần thực hiện một số chiến lược như: Chủ động tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp để tránh xung đột quyền; Lựa chọn chiến lược đăng ký phù hợp (ví dụ: đăng ký tổng thể sản phẩm hoặc từng bộ phận có khả năng tạo ra giá trị thẩm mỹ riêng biệt); Đăng ký nhiều biến thể của kiểu dáng để ngăn chặn sự cải tiến sao chép từ đối thủ; Lập kế hoạch thương mại hóa thiết kế theo từng giai đoạn vòng đời sản phẩm, thông qua quyền tác giả hoặc độc quyền kiểu dáng công nghiệp; Định kỳ thẩm định lại giá trị thương mại của các kiểu dáng đang khai thác; Theo dõi sát tình hình cạnh tranh và xu hướng thị hiếu của người tiêu dùng trên cùng kênh phân phối…
Bảo vệ giá trị sáng tạo không chỉ là một biện pháp pháp lý, mà còn là một chiến lược quản trị quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh hiện đại.