10:32, 04/04/2025
Sáng ngày 03/4/2025, Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đến năm 2030” & công bố chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025 đã được tổ chức tại Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (số 273 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) nhằm là môi trường để các đại diện trong Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thảo luận, đề xuất các giải pháp thiết thực, đưa TP.HCM tiến vào top 100 toàn cầu về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tham dự Hội thảo có ông Lâm Đình Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM; ông Trần Bạch Ngọc - Phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cùng sự hiện diện đông đảo của đại diện chuyên gia, nhà khoa học, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các trường Đại học, các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố…
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lâm Đình Thắng - Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ: “TP.HCM coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính, là động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới, trong kỷ nguyên mới… Mục tiêu của TP.HCM là rất khát vọng, theo tổ chức StartupBlink, TP.HCM hiện đang xếp 111 trong số 1.000 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp năng động nhất toàn cầu và Thành phố đặt ra mục tiêu rất khát vọng là lọt vào top 100 vào năm 2030. Ở đây không phải là thứ hạng, mà là cải thiện toàn bộ môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo của TP.HCM được cộng đồng đánh giá và tổ chức quốc tế ghi nhận khách quan độc lập Thành phố có sự tiến bộ.”
Cũng theo ông Lâm Đình Thắng, mục tiêu của Hội thảo là mang tính cầu thị lắng nghe những người trong cuộc, những chuyên gia nhà khoa học chọn những giải pháp nào, lĩnh vực nào để đi nhanh và có hiệu quả. Đồng thời, công bố các chương trình ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2025.
Ông Lâm Đình Thắng - Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ nhiều mục tiêu và gợi mở nhiều hướng đi mới cho hệ sinh thái khởi nghiệp Thành phố tại Hội thảo
Gợi mở về 03 lĩnh vực trọng tâm, trong hướng đi của TP.HCM nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ông Lâm Đình Thắng, thông tin: “TP.HCM tập trung vào Chính sách; Hạ tầng; Nguồn nhân lực. Trong đó, về phần Chính sách, ý tưởng một cửa đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, nghĩa là khi một người tại TP.HCM muốn đầu tư, phát triển một doanh nghiệp thì Thành phố sẽ liên kết, kết nối với tất cả các cơ quan nhà nước để giải quyết những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc tổ chức lại quy trình làm việc, thủ tục hành chính. Về phần Hạ tầng, cần thảo luận đưa ra những giải pháp đầu tư hợp lý cho các Trung tâm kết nối. Theo đó, Tòa nhà Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo (123 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP.HCM) đang chuẩn bị cho lễ khánh thành, dự kiến vào tuần đầu tiên của tháng 5 năm 2025. Những ý tưởng sáng tạo nhất, những doanh nghiệp có công nghệ sáng tạo nhất sẽ được mời về Trung tâm này để minh chứng cho những nỗ lực thay đổi, đổi mới sáng tạo của TP.HCM. Về Nguồn nhân lực, tập trung vào 02 nhóm để kết nối bồi dưỡng. Đầu tiên là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng về tinh thần, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, TP.HCM chuẩn bị khởi động Mô hình Đại học Khởi nghiệp, giảng viên vận động chính, Thành phố ra chính sách hỗ trợ, dẫn dắt và kết nối. Thứ hai là bồi dưỡng những người đã khởi nghiệp, cộng đồng doanh nhân của TP.HCM”.
Trong buổi Hội thảo, các chuyên gia, các đại diện tổ chức vườn ươm, doanh nghiệp dẫn dắt, trường Đại học đã cùng nhau thảo luận, đóng góp đưa ra những giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đến năm 2030.
Mở đầu buổi tham luận, ông Trần Ninh Đông - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã trình bày về “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM năm 2024 và mục tiêu đến năm 2030”. Cụ thể về tổng kết những kết quả hoạt động trong năm 2024 của TP.HCM, các cơ chế thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên địa bàn Thành phố. Một số chỉ tiêu cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố đến năm 2030 bao gồm: Nhóm 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST năng động nhất toàn cầu; Nhóm 3 tỉnh, thành đứng đầu về ĐMST, chuyển đổi số; Hình thành 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm; Tỷ lệ khai thác thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST đạt 8 - 10%; Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp…
Ông Trần Ninh Đông - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Với những kết quả, tiêu chí đã nêu trên, Hội thảo đến phần thảo luận những giải pháp cần triển khai để thực hiện những nội dung để đạt được, hiệu quả các chỉ tiêu đặt ra. Trong đó, có 06 nhóm sẽ tham gia chia sẻ các giải pháp đẩy mạnh phát triển là các đại diện trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM.
Đại diện các Quỹ đầu tư đưa ra những đề xuất, chia sẻ trải nghiệm từ những hợp tác trong và ngoài nước. Với kinh nghiệm hợp tác với các tổ chức Hàn Quốc, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Shinhan Future’s Lab chia sẻ nên có những chương trình đổi mới sáng tạo, tăng tốc hợp tác sáng tạo mở. Thêm vào đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh đề xuất thêm những khóa học chuyên sâu, cơ hội kết nối với các đối tác, quỹ đầu cho các Startup, xác thực những giải pháp phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích, cầu nối mang giá trị cho các bên liên quan.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh - Shinhan Future’s Lab đề xuất các giải pháp
Đại diện từ các Tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp chia sẻ những đề xuất giúp tăng tốc, hỗ trợ cho các Startup liên quan đến các tập đoàn quốc tế. Đồng thời, xem xét mở rộng mạng lưới, tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo doanh nghiệp chuyên sâu nhằm tích cực thúc đẩy giá trị, lợi thế của mỗi tổ chức. Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Ươm tạo Doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, Khu công viên phần mềm Quang Trung chia sẻ: “Tập hợp lại vườn ươm của các trường Đại học Quốc gia trên cơ sở phát huy được thế mạnh của mỗi một vườn ươm, đại diện cho mỗi mảng khác nhau…”
Ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Ươm tạo Doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, Khu công viên phần mềm Quang Trung
Về đại diện các Tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ông Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM đã chia sẻ về những đề xuất cho mục tiêu của Thành phố, những giải pháp về tăng cường giáo dục nhằm đào tạo nguồn nhân lực, các chương trình kết nối, xây dựng hệ thống mạng lưới cho Startup để phát triển, học hỏi từ trong nước và quốc tế, tạo điều kiện cho sự phát triển, nâng cao năng lực.
“Thu hút các quỹ đầu tư quốc tế, cần hoàn thiện phát triển chương trình trao đổi Startup Việt Nam với nước ngoài và phát triển Mô hình Đại học khởi nghiệp trong đó bao gồm nhiều chỉ tiêu.”, ông Phạm Đình Anh Khôi nhấn mạnh.
Ông Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM chia sẻ tại Hội thảo
Cùng với đó là những đề xuất từ các đại diện Doanh nghiệp dẫn dắt, các Tổ chức kết nối thị trường quốc tế, các trường Đại học và các đại diện Startup. Các doanh nghiệp phải không ngừng nỗ lực tìm kiếm những giải pháp mới, lĩnh vực mới, năng lực mới để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Cần có những giải pháp cụ thể về Hạ tầng trong việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào trong các lĩnh vực khác nhau.
Sau phần thảo luận, bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đã công bố chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025. Trong chương trình tuyển chọn, dự kiến sẽ có 06 cuộc tuyển chọn và 01 cuộc thi. Tiêu chí tuyển chọn bao gồm: Thị trường tiềm năng; Tính đổi mới sáng tạo; Khả năng áp dụng vào thực tế; Ứng dụng công nghệ; Năng lực thực hiện; Hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội; Mô hình kinh doanh.
Bà Lê Thị Bé Ba - Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM thông tin về các chương trình tuyển chọn, ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo năm 2025
Chương trình nhằm phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng có khả năng phát triển và hình thành doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng điểm của Thành phố. Thông qua việc cung cấp môi trường ươm tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp phát triển, gồm: Nguồn lực tài chính, Hỗ trợ chuyên môn; Kết nối mạng lưới… Đồng thời, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh sáng tạo và các giải pháp đột phá để giải quyết các vấn đề và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các mô hình, giải pháp công nghệ có khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Các đại diện của các doanh nghiệp, Quỹ đầu tư, nhà đầu tư tham gia thảo luận để cùng nhau đồng hành và thực hiện các chương trình ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, đưa ra những đề xuất tham gia, thúc đẩy hiệu quả, giá trị mà chương trình đem lại cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM. Sự kiện này thể hiện cam kết của TP.HCM trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hướng đến mục tiêu trở thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu tại khu vực.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, nhiều sản phẩm, thiết bị và công nghệ tiêu biểu của các stratup khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM đã được lựa chọn để trưng bày và giới thiệu tới công đồng.
Đại diện BTC và cộng đồng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM cùng chụp ảnh lưu niệm
Buổi Hội thảo đã diễn ra tốt đẹp, mang lại những giá trị thiết thực, những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM, đưa ra hướng phát triển để TP.HCM tiến gần đến top 100 Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.