11:36, 03/04/2025
Chiều ngày 02/4/2025, tại TP.HCM, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (ĐKC) - Bộ Công Thương phối hợp cùng Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) và Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP. HCM (SIHUB) đã tổ chức thành công Tọa đàm “Tham vấn về Chương trình đào tạo giảng viên và cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng”. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung nhằm thúc đẩy ứng dụng hiệu quả năng lượng, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.
Toàn cảnh Toạ đàm
Tọa đàm được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự đồng chủ trì của ông Quách Quang Đông - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (ĐKC), Bộ Công Thương, bà Anastasia Oikonomou - Quản lý chương trình đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) và bà Maria Cecilia Paña - Phó Trưởng đại diện Quốc gia GGGI tại Việt Nam cùng nhiều đại diện đến từ các cơ quan, ban, ngành liên quan, các viện - hội - trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ, các trường đại học, đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp và các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực khởi nghiệp và hiệu quả năng lượng.
Buổi tọa đàm đã kết nối các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng (HQNL). Sự kiện tập trung vào cơ hội đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, giải pháp pháp lý, nâng cao năng lực đào tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Đây là bước quan trọng để đạt mục tiêu phát triển năng lượng xanh, tiết kiệm năng lượng quốc gia và tăng trưởng bền vững.
Phát biểu khai mạc tại Tọa đàm, ông Quách Quang Đông - Phó Cục trưởng ĐKC nhấn mạnh: "Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi giữa nền kinh tế xanh và tín chỉ carbon thấp, theo đó việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp thiết thực giúp nâng cao hiệu quả nền kinh tế".
Ông Quách Quang Đông - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc tại Tòa đàm
Tiếp theo đó, bà Anastasia Oikonomou - Quản lý chương trình của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án trong bối cảnh nhu cầu năng lượng và an ninh năng lượng ngày càng gia tăng. EU đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu giảm dấu chân carbon, hướng tới phát thải ròng bằng 0, đồng thời khẳng định vai trò then chốt của khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng. Theo bà Anastasia Oikonomou, các doanh nghiệp đổi mới không chỉ giúp tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, nâng cao an ninh năng lượng mà còn mở rộng mô hình kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người dân. “Tương lai nằm trong bàn tay của chúng ta” - bà nhấn mạnh, khẳng định sự cấp thiết của hành động ngay hôm nay để hướng đến phát triển bền vững.
Bà Anastasia Oikonomou - Quản lý chương trình của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), chia sẻ trực tuyến từ đầu cầu Châu Âu
Bà Maria Cecilia Paña - Phó Trưởng đại diện Quốc gia GGGI tại Việt Nam đã làm rõ mục tiêu chính của buổi Tọa đàm, tập trung vào hai nội dung quan trọng: Chương trình đào tạo giảng viên (ToT) và Đề xuất cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo về hiệu quả năng lượng.
Bà Maria Cecilia Paña - Phó Trưởng đại diện Quốc gia GGGI tại Việt Nam chia sẻ thông tin tại Tọa đàm
Trong phần giới thiệu về dự án Thúc đẩy Khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng (AIS4EE), ông Đỗ Mạnh Hùng - đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) cho biết mục tiêu chung của dự án là "Thúc đẩy và góp phần phát triển môi trường khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng".
Ông Đỗ Mạnh Hùng - đại diện Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) trình bày tổng quan chung dự án AIS4EE tại Tọa đàm
Dự án AIS4EE, một sáng kiến hợp tác giữa Bộ Công Thương và Viện Tăng trưởng Xanh Toàn cầu (GGGI), đã được triển khai dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu (EU). Mục tiêu chính của dự án là xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững, tập trung vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Được thực hiện từ năm 2022 và dự kiến kéo dài đến năm 2025, AIS4EE không chỉ góp phần hiện thực hóa Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP3) mà còn tạo động lực thúc đẩy đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng.
AIS4EE được triển khai với 03 hợp phần chính, bao gồm: tăng tốc khởi nghiệp, hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp HQNL. Đáng chú ý, chương trình đào tạo giảng viên (ToT) được triển khai để nâng cao năng lực đào tạo, giúp nhân rộng các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dự án cũng tập trung vào rà soát và đề xuất chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Với cam kết góp phần tiết kiệm 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia giai đoạn 2019 - 2030, AIS4EE được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.
Tiếp nối Tọa đàm, bà Đặng Thị Luận - Quyền Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM nhấn mạnh, vai trò của dự án trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước: "Trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin rất nhiều về Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Chương trình ToT đào tạo giảng viên về khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng cũng là một trong những chương trình để thực hiện mục tiêu và đóng góp vào việc triển khai Nghị quyết 57".
Bà Đặng Thị Luận - Quyền Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM chia sẻ tại Tọa đàm
Dự án AIS4EE tiếp tục tập trung vào Chương trình Đào tạo Giảng viên (ToT) do SIHUB và RCEE-NIRAS triển khai, nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia về khởi nghiệp trong lĩnh vực HQNL. Chương trình kéo dài từ tháng 5 đến tháng 7, bao gồm các khóa học tại Việt Nam và Đức, trang bị kiến thức về chính sách, kinh doanh, gọi vốn và đổi mới sáng tạo cho giảng viên, chuyên gia và startup. Khảo sát cho thấy nhu cầu đào tạo về HQNL rất lớn từ các tổ chức, giảng viên (hơn 90%) và startup (67,5% cần hỗ trợ về kỹ năng gọi vốn). AIS4EE được kỳ vọng tạo nền tảng vững chắc cho hệ sinh thái khởi nghiệp HQNL, góp phần vào mục tiêu phát triển năng lượng xanh của Việt Nam.
Các chuyên gia đầu ngành, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng khởi nghiệp cùng thảo luận nhiều nội dung liên quan tại Tọa đàm
Buổi thảo luận sau phần giới thiệu dự án AIS4EE đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà hoạch định chính sách và cộng đồng khởi nghiệp cũng như đại diện các đơn vị liên quan. Các ý kiến tập trung vào những khó khăn, thách thức trong triển khai dự án và chương trình ToT, đồng thời đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả. Đại diện các đơn vị cũng tích cực đóng góp ý kiến, thể hiện sự quan tâm và mong muốn chung tay xây dựng AIS4EE thành công. Ban tổ chức dự án sẽ tiếp thu các góp ý này để điều chỉnh, đảm bảo dự án đi đúng hướng và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng.
Ông Mai Văn Huyên - Chuyên gia về chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hiệu quả năng lượng trình bày phần Cơ chế khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng
Cũng tại Tọa đàm, trong phần trình bày đề xuất cơ chế chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng, ông Mai Văn Huyên - Chuyên gia về chính sách khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hiệu quả năng lượng khẳng định: "Trong bối cảnh năng lượng toàn cầu cũng như mục tiêu giảm phát thải bằng 0, thị trường bảo tồn năng lượng đóng vai trò then chốt". Theo đó, ông Mai Văn Huyên đề xuất các cơ chế khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực HQNL, bao gồm ưu đãi thuế, tài trợ từ VNEEP3 và thành lập Quỹ tài chính quốc gia cho startup. Đồng thời, để giải quyết thách thức về tài chính, hạ tầng và kết nối thị trường, cần phát triển trung tâm ươm tạo, phòng thí nghiệm quốc gia và tăng cường hợp tác doanh nghiệp - nhà đầu tư, ông Mai Văn Huyên cũng kiến nghị bổ sung nội dung HQNL vào Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và Hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đóng góp vào mục tiêu net-zero 2050.
Bế mạc Toạ đàm, ông Quách Quang Đông và Bà Maria Cecilia Paña đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến đóng góp từ đại biểu. Các đại diện cũng chia sẻ về kế hoạch tương lai của dự án, chương trình và các thay đổi pháp lý liên quan. Bà Maria Cecilia Paña đánh giá cao các đề xuất, nhấn mạnh đây là những đóng góp giá trị và cần thiết cho lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Đại diện BTC, đại biểu khách mời cùng chụp hình lưu niệm tại Tọa đàm
Tọa đàm “Tham vấn về Chương trình đào tạo giảng viên và cơ chế thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng” đã diễn ra thành công, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng một chương trình đào tạo chất lượng và các cơ chế hỗ trợ hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng tại Việt Nam.