10:48, 31/03/2025
Công nghệ số đang ngày càng khẳng định vai trò trụ cột ở mỗi quốc gia, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Báo cáo Kinh tế số 2024 (Digital Economy Report 2024) do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) tổng hợp dữ liệu từ hơn 200 quốc gia cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật số vào quy trình kinh doanh, tăng 15% so với năm 2022.
Đây là đòn bẩy nâng tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử toàn cầu năm 2024 ước đạt 6,3 nghìn tỷ USD, tăng 17% so với năm 2023.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu
Công nghệ số đang ngày càng khẳng định vai trò trụ cột ở mỗi quốc gia, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các doanh nghiệp, số hóa hoạt động sản xuất – kinh doanh là một trong những ưu tiên hàng đầu để bắt nhịp xu thế toàn cầu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong lĩnh vực bán lẻ, các đơn vị kinh doanh đã ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, nổi bật là việc đa dạng hóa phương thức thanh toán như quét mã QR, ví điện tử, app chi tiêu – tích điểm, v.v.
Ở lĩnh vực y tế, từ thời điểm đại dịch covid-19, công nghệ số đã thể hiện tầm quan trọng trong việc chẩn đoán – khám bệnh từ xa, xóa bỏ nút thắt giao tiếp vật lý và khó khăn di chuyển. Đến nay, những tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật số là yếu tố then chốt cho sự phát triển của ngành y với hàng loạt hạng mục như: Hồ sơ bệnh án điện tử, Cổng thông tin tiêm chủng, Bảo hiểm y tế và thanh toán trực tuyến, v.v.
Vietnam Expo 2025 dự kiến quy tụ khoảng 500 doanh nghiệp trưng bày tại 550 gian hàng. (Nguồn: Vietnam Expo 2025)
huyển đổi số góp phần thay đổi diện mạo ngành F&B. Từ khâu cung ứng nguyên liệu, các đơn vị sản xuất đã dán mã QR để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc; kho bảo quản được quản lý, vận hành bởi ứng dụng chuyên biệt, tiết kiệm nguồn nhân lực, thời gian, tài chính; ngay cả khâu chế biến cũng được thử nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) giúp giảm bớt thời gian điều chế - sản xuất, hạn chế việc nếm thử đồ ăn.
Các lĩnh vực khác như Ngân hàng, Giải trí, Bảo hiểm, Hàng không… cũng không nằm ngoài xu hướng. Minh chứng là hàng loạt doanh nghiệp đã kết hợp với nhà cung cấp giải pháp công nghệ để số hóa tiện ích - dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Cơ hội của ngành công nghệ số và thương mại điện tử
Để tận dụng tối đa cơ hội từ kinh tế số, các quốc gia cần xây dựng chiến lược quốc gia về kinh tế số, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng số cho lực lượng lao động, đặc biệt là các ngành nghề truyền thống.
Đức là một trong những nước tiên phong chuyển đổi số, ứng dụng sản xuất công nghệ cao. Chiến lược chuyển đổi số tại Đức tập trung hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp, xây dựng mạng lưới các trung tâm số hoá (Digital Hubs), mỗi Hub tập trung vào một hoặc vài lĩnh vực công nghệ cụ thể, như FinTech, Health Tech, Al, Smart City, Logistics, v.v. giúp tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Còn riêng Việt Nam, các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số, đưa tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á.
Thương mại điện tử bán lẻ đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng khoảng 20%. Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt hàng năm tăng hơn 50%, dẫn đầu Đông Nam Á.
Như vậy, chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà thực sự trở thành mảnh đất màu mỡ để các công ty công nghệ khai thác, cung cấp giải pháp cho từng doanh nghiệp có nhu cầu. Để làm được điều này, các công ty công nghệ cần chứng minh năng lực thông qua hoạt động triển lãm – quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đây cũng là cơ hội tiếp cận nguồn khách hàng tiềm năng.
Vietnam Expo đồng hành cùng doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
Để góp phần thúc đẩy kinh tế số và thương mại điện tử, Bộ Công Thương Việt Nam chủ trì, Cục Xúc tiến thương mại chỉ đạo và Công ty Vinexad tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 34 (Vietnam Expo 2025) từ ngày 2-5/4/2025 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế I.C.E, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Đây là hội chợ thương mại có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam từ năm 1991 do Bộ Công Thương thực hiện.
Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 34 dự kiến quy tụ khoảng 500 doanh nghiệp trưng bày tại 550 gian hàng. Với vai trò là một ngày hội lớn của ngành công thương, các ngành hàng trưng bày chính tại Vietnam Expo 2025 bao gồm: Khu gian hàng quốc tế; Khu gian hàng Xúc tiến Xuất khẩu & Đầu tư Việt Nam; Khu Điện tử, Máy móc và Công nghiệp hỗ trợ; Khu Công nghệ Số & Thương mại điện tử; và Khu Nông sản, Thực phẩm & Đồ uống.