13:53, 25/11/2024
Trong bối cảnh mới, việc đổi mới sáng tạo (innovation) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công đáp ứng yêu cầu của người dân và tổ chức đang là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở khái quát một số vấn đề lý luận về đổi mới sáng tạo, bài viết phân tích vai trò của đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiệu quả.
Từ khoá: Đổi mới sáng tạo, cung ứng dịch vụ hành chính công, quản trị quốc gia hiệu quả.
1. Dịch vụ hành chính công và đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công
(1) Quan niệm về cung ứng dịch vụ hành chính công
Dịch vụ hành chính công được hiểu là loại hình dịch vụ công do cơ quan hành chính nhà nước cung cấp, phục vụ yêu cầu cụ thể của công dân và tổ chức theo quy định của pháp luật. Hay “dịch vụ hành chính công là một loại hình dịch vụ công do các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền cung ứng (hoặc ủy quyền cho tổ chức ngoài cơ quan hành chính nhà nước cung ứng) dựa trên thẩm quyền hành chính pháp lý nhằm bảo đảm thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp và các nghĩa vụ pháp lý của các tổ chức và người dân.
Nói cách khác, đây là một loại hình dịch vụ công đặc thù, rất khác biệt so với các hàng hóa hay các dịch vụ thông thường khác. Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, giải thích dịch vụ hành chính công là những dịch vụ liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý hoặc dưới hình thức thông báo kết quả thực hiện trong các lĩnh vực mà cơ quan nhà nước đó quản lý. Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một hoặc một số thủ tục hành chính để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.
(2) Đổi mới sáng tạo
Thuật ngữ Innovation (đổi mới sáng tạo) trong tiếng Anh bắt nguồn từ danh từ innovatus trong tiếng Latinh và xuất hiện trên báo in từ thế kỷ XV, được phát triển bởi nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Schumpeter và các bài viết của ông vào những năm 30 thế kỷ XX.
Theo Richard R.Nelson, đổi mới sáng tạo là quá trình chuyển ý tưởng thành sản phẩm mới hoặc sản phẩm hoàn thiện trong công nghiệp và thương mại hoặc đưa ra cách tiếp cận trong xã hội. Đổi mới sáng tạo là một quá trình, không phải là kết quả, trong quá trình đó hàm chứa rất nhiều các thủ tục, công đoạn, công cụ, các yếu tố ảnh hưởng, phương thức, quan hệ… nhưng cuối cùng là chuyển ý tưởng thành sản phẩm có ích, hay có thể nói một cách ngắn gọn là quá trình đưa ý tưởng, tri thức thành giá trị (thường được đo bằng nhiều hệ giá trị khác nhau như giá trị về văn hóa và giá trị về kinh tế).
Theo tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế – OECD, đổi mới sáng tạo là quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, dịch vụ quy trình… mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế – xã hội. Theo cách hiểu này, đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ nguồn tri thức, ý tưởng mà phần lớn kết quả dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ các khu vực, các viện nghiên cứu, trường đại học. Như vậy, khi một ý tưởng hay tri thức dù có hay đến đâu nếu chưa được chuyển thành các kết quả cụ thể để mang lại giá trị thì chưa được coi là đổi mới sáng tạo.
Năm 2005, OECD chia đổi mới sáng tạo thành 4 loại (dựa theo 4 yếu tố cấu thành) với mục đích cụ thể hóa hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm: đổi mới sáng tạo sản phẩm, đổi mới sáng tạo quy trình, đổi mới sáng tạo maketing và đổi mới sáng tạo về mặt tổ chức. Từ năm 2018, đã sắp xếp lại chỉ còn đổi mới sáng tạo sản phẩm và quy trình.
Theo Điều 3 khoản 6 Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, định nghĩa: đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa.
Đổi mới sáng tạo có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng tựu chung lại có thể hiểu là một quá trình tạo ra các ý tưởng mới và triển khai áp dụng thành công trong thực tiễn, bao gồm: giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hoá, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống cho xã hội.
Từ những cách hiểu trên, chúng ta có thể nhận thấy, đổi mới sáng tạo là cả một quá trình liên tục bao gồm phân tích – sáng tạo ý tưởng, thử nghiệm và đánh giá ý tưởng, phát triển ý tưởng và kết quả sử dụng trong thực tế. Như vậy, đổi mới sáng tạo được thừa nhận khi và chỉ khi một ý tưởng mới được chuyển thành các kết quả cụ thể để mang lại giá trị mới. Mục tiêu của đổi mới sáng tạo là tạo ra giá trị cho các chủ thể liên quan (tổ chức, người dân và xã hội) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống cho người dân. Đổi mới sáng tạo là việc cá nhân hoặc các tổ chức, đơn vị chấp nhận việc áp dụng các ý tưởng mới vào thực tiễn nhằm đạt được hiệu quả cao.
Đổi mới sáng tạo chính là vận dụng, áp dụng, đưa sự sáng tạo và tính mới vào hệ thống kinh tế – xã hội nhằm tạo ra các giá trị mới. Nếu không có đổi mới sáng tạo, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái “tĩnh” và như vậy không tạo ra được các giá trị mới cho phát triển. Do đó, đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế cũng như phát triển xã hội.
(3) Quan niệm về đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công
Từ trước tới nay, đổi mới sáng tạo thường được gắn với khu vực tư, gắn với doanh nghiệp nhiều hơn là khu vực công. Nhưng trước những yêu cầu của người dân đối với chất lượng dịch vụ công ngày càng cao, trong khi ngân sách hạn hẹp, buộc chính phủ phải tìm đến những phương án và cách làm mang tính đổi mới sáng tạo, hiệu quả cao hơn với chi phí thấp. Hơn thế nữa, khu vực công cũng đóng vai trò kinh tế chủ chốt với tư cách là cơ quan quản lý, cung cấp dịch vụ và sử dụng lao động. Vì vậy, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước nói chung, trong hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế là cần thiết.
Dịch vụ hành chính công là loại hình dịch vụ công do cơ quan hành chính nhà nước cung cấp phục vụ yêu cầu cụ thể của công dân và tổ chức theo quy định của pháp luật. Mỗi dịch vụ hành chính công gắn liền với một hoặc một số thủ tục hành chính để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến tổ chức, cá nhân.
Theo OECD, đổi mới khu vực công liên quan đến việc tìm kiếm các phương tiện mới và tốt hơn để đạt được mục đích công. Năm 2022, OECD đã phát triển khung phân tích đổi mới sáng tạo trong khu vực công, xem xét các yếu tố có thể khuyến khích hay cản trở sự đổi mới sáng tạo. Đầu tiên, khung này xác định bốn cấp độ phải xem xét khi đề cập đến đổi mới sáng tạo trong khu vực công, bao gồm: cá nhân đổi mới, tổ chức mà cá nhân đó làm việc, toàn bộ khu vực công và xã hội. Ngoài ra, khung còn xem xét các nhóm yếu tố tác động đến các cấp độ này như: kiến thức và học tập, văn hóa tổ chức, quy tắc và quy trình, bộ máy tổ chức.
Như vậy, đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính là đổi mới quy trình cung ứng dịch vụ công tạo ra một quy trình mới hoặc cải tiến quy trình khác biệt đáng kể với các quy trình trước đó nhằm cung cấp dịch vụ công cho người người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công không phải đơn thuần là đổi mới quy trình, ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức cung ứng dịch vụ công mà đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công bao gồm: cơ quan nhà nước có thẩm quyền đổi mới quy trình; tổ chức, cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp đổi mới trong quá trình tham gia thực hiện cung ứng dịch vụ hành chính công; cơ quan, tổ chức và người dân cải thiện năng suất, chất lượng so với kết quả trước đây chưa đổi mới.
Đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước chủ yếu liên quan đến những thay đổi, cải tiến trong các dịch vụ, sản phẩm mà chính phủ, các cơ quan hành chính nhà nước chịu trách nhiệm cung cấp cho người dân.
2. Đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công đối với quản trị quốc gia hiệu quả
Thứ nhất, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia, nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Trong những năm qua, đổi mới quản trị quốc gia ở nước ta tập trung vào việc cải tiến và tăng cường sự minh bạch, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường giám sát và kiểm tra, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý công. Các nỗ lực này nhằm giúp đất nước phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công đóng vai trò quan trọng trong việc quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công giúp cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ hành chính công. Bằng cách sử dụng các phương pháp, công nghệ và cách tiếp cận mới, cung ứng dịch vụ hành chính công có thể tối ưu hóa quy trình và việc sử dụng các nguồn lực đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công nó tác động vào sự phát triển chung của xã hội.
Đổi mới mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công giúp tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Các chủ trương mới về cung ứng dịch vụ hành chính công mới của Nhà nước có thể giúp tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp và tạo cơ hội cho các tổ chức và cá nhân tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Đổi mới sáng tạo trong cung ứng dịch vụ hành chính công giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân bằng cách cải thiện các dịch vụ công, các sản phẩm/ kết quả đầu ra của dịch vụ hành chính công có chất lượng, từ đó cải thiện năng suất, nâng cao chất lượng sống và học tập cho người dân.
Một trong những mục tiêu của quản trị công tốt là nâng cao chất lượng dịch vụ công. Vì thế, sự đổi mới sáng tạo giúp cho hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công đáp ứng được yêu cầu quản trị quốc gia và đặc biệt là đáp ứng được nhu cầu khách hàng, nhu cầu phát triển của xã hội, đồng thời có những phản ứng nhanh hơn với sự thay đổi của xã hội.
Thứ hai, đáp ứng kỳ vọng và xây dựng niềm tin của người dân với Nhà nước.
Niềm tin của người dân vào các cơ quan nhà nước có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào sự ổn định kinh tế, xã hội. Niềm tin của người dân vào chính quyền vào các cơ quan nhà nước dựa trên cơ sở sự đáp ứng của chính quyền đối với các kỳ vọng của họ mà những kỳ vọng đó thường được biểu hiện thông qua hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân ngày càng cao và luôn mong đợi chính quyền cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Hơn nữa, người dân mong đợi chính quyền lắng nghe và cộng tác cùng người dân. Do đó, hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công phải đổi mới sáng tạo nếu họ muốn đáp ứng kỳ vọng và cuối cùng là để xây dựng lòng tin đối với người dân và khách hàng mà họ đang phục vụ.
Thứ ba, đổi mới sáng tạo tiết kiệm chi phí và cải thiện năng suất lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước.
Đổi mới sáng tạo trong hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công sẽ giúp cho các cơ quan hành chính nhà nước nâng cao chất lượng sản phẩm (sản phẩm ở đây được hiểu là kết quả đầu ra, hồ sơ hành chính của mỗi một dịch vụ hành chính công), dịch vụ, cải tiến quy trình và cải thiện điều kiện làm việc. Từ đó tiết kiệm ngân sách, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của công chúng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ hành chính công.
Đổi mới sáng tạo trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt trong cung ứng dịch vụ hành chính công có đóng góp tỷ trọng lớn đối với tăng trưởng kinh tế – xã hội. Thực ra, đóng góp của việc cung ứng dịch vụ hành chính công cho tăng trưởng kinh tế – xã hội không dễ nhìn thấy như các loại hình dịch vụ khác. Tuy nhiên, các hồ sơ hành chính, các hoạt động cấp phep, cho phép được giải quyết nhanh, đúng và kịp thời sẽ tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động, từ đó cũng góp phần cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Ủy ban châu Âu, khu vực công đóng vai trò kinh tế chủ chốt, cung cấp dịch vụ và sử dụng lao động chiếm hơn 25% tổng số việc làm, một tỷ trọng đáng kể trong hoạt động kinh tế ở các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU). K. Melissa Kennedy đã chỉ ra, đổi mới sáng tạo trong khu vực công đóng góp 95% đối với khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, 91% đối với kinh tế xanh, 87% đối với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội, góp phần thay đổi cuộc sống người dân trong tương bao gồm các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thị trường lao động, chất lượng môi trường.
Thứ tư, đổi mới sáng tạo giúp cho hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công có chất lượng và hiệu quả.
Chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng quản trị quốc gia hiệu quả. Cung cấp dịch vụ công cho các doanh nghiệp và xã hội với chất lượng tốt nhất được xem là một trong những khía cạnh thể hiện vai trò đặc biệt của Chính phủ với tư cách là “nhạc trưởng”, là trụ cột thứ hai trong năm trụ cột tạo nên đặc điểm của quản trị công tốt.
Đổi mới sáng tạo góp phần cải thiện việc cung ứng dịch vụ hành chính công nhanh và chất lượng thúc đẩy quản trị quốc gia hiệu quả thông qua việc bảo đảm các thành phần hồ sơ hành chính cụ thể, rõ ràng; quy trình giải quyết cụ thể, chính xác; sự phối hợp thực hiện của các khâu trung gian liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính nhịp nhàng, đồng thuận sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công của Nhà nước tốt hơn, từ đó thúc đẩy sự tham gia của người dân tốt hơn, tạo ra tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.
3. Kết luận
Đổi mới sáng tạo được xem là vai trò quan trọng trong quá trình tồn tại của doanh nghiệp, còn đối với các cơ quan nhà nước; đổi mới sáng tạo được xem là “ngoại vi”. Tuy nhiên, trước ức ép về sự biến động của xã hội, về sự đổi mới của quản trị quốc gia, về yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, sự hạn chế về nguồn lực cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, buộc Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước phải đổi mới.
Đổi mới sáng tạo trong hoạt động cung ứng dịch vụ công là cách thức, là con đường duy nhất giúp các cơ quan hành chính nhà nước bắt kịp tốc độ phát triển chung của xã hội của thế giới, giải quyết được các các vấn đề xã hội hiện đại, đồng thời, đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và trong hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công nói riêng đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia theo hướng hiệu lực, hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 337 – 338.
2. Bộ Chính trị (2029). Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
3. Lê Chi Mai (2023). Một góc nhìn về cách đo lường năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Cơ sở lý luận, thực tiễn về năng suất lao động trong cung ứng dịch vụ hành chính công.
4. Về bộ chỉ số quản trị quốc gia trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. https://quanlynhanuoc.vn.
5. Quốc hội (2018). Luật Khoa học và Công nghệ năm 2018.
6. Đổi mới sáng tạo: Một số vấn đề cần quan tâm. https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4442/doi-moi-sang-tao-mot-so-van-de-can-quan-tam-ky-1.aspx.
7. Schumpeter, J., Backhaus. U (2003). The Theory of Economic Development. In: Backhaus, J. (eds) Joseph Alois Schumpeter. The European Heritage in Economics and the Social Sciences, vol 1. Springer, Boston, MA. https://doi.org/10.1007/0-306-48082-4_3.
8. Oslo Manual (2005). Guidelines for collecting and interpreting innovation data (3rd Ed.). OECD Publishing.
9. OECD (2018). Embracing innovation in government 2018.
10. OECD (2016). Public sector innovation, in OECDScience, Technology and Innovation Outlook 2016, OECD Publishing, Paris.
11. Geoff Mulgan and David Albury (2003). Innovation in the public sector, Ver 1.9.
12. OECD (2022). Innovative Capacity of Governments: A Systemic Framework.
13. OECD (2014). Innovating the Public Sector: from Ideas to Impact, OECD Conference Centre, Paris.
14. EC (2018). Public Administration charateristics and performance in EU28: Introduction, p.3.
15. K. Melissa Kennedy: Infographic: What is the impact of innovation? What drives innovation? http://www.48innovate.com/.
16. UNESCO (2028). Aglobalframeworkofreference on digital literacy. UNESCO Institute for Statistics.