14:36, 18/01/2024
Sau một năm 2023 đầy ảm đạm, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại châu Á được kỳ vọng có thể tốt hơn trong 2024. Tuy nhiên, từ khóa chủ đạo của giới đầu tư trong năm nay là “bất định” và “thận trọng”.
Trên phạm vi toàn cầu, 2023 là một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử đầu tư mạo hiểm, khi ngành này phải vật lộn với những thách thức đến từ căng thẳng địa chính trị, những khó khăn kinh tế và cơ hội thoái vốn khá hạn chế.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi các start-up từng được giới đầu tư mạo hiểm ưu ái nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh và thị trường rộng lớn, thì nay, nguồn vốn đổ vào đã bị giới hạn. Tính đến ngày 19/12/2023, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường PitchBook, tổng số tiền các start-up huy động được chỉ là 86,5 tỷ USD, giảm 40% so với mốc 141,9 tỷ USD trong năm 2022 và bằng một phần nhỏ trong số 221,4 tỷ USD huy động được vào năm 2021.
Krish Ramadurai, nhà đầu tư tại quỹ Harmonix cho biết: “2023 là năm giới đầu tư chỉ ngắm nghía và nhìn xem điều gì đang xảy ra”. Ông cũng nói thêm, “lạc quan một cách thận trọng” sẽ là chủ đề chính của năm 2024, vì nhiều bất ổn vẫn còn tồn tại bất chấp những cải thiện trong nền kinh tế toàn cầu.
Dẫn số liệu từ PitchBook, Nikkei cho biết Mỹ vẫn là thị trường đầu tư mạo hiểm lớn nhất, dù số vốn huy động được tại thị trường này đã giảm 30% trong năm 2023. Theo đó, tính đến ngày 19/12/12023, thị trường Mỹ huy động được 166,5 tỷ USD tiền đầu tư, giảm đáng kể so với mốc 242,3 tỷ USD cho cả năm 2022.
Anis Uzzaman, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Pegasus Tech Ventures có trụ sở tại Thung lũng Silicon, cho biết các quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ có nhiều nguồn lực để triển khai vào năm tới. Tuy nhiên, những lo ngại về tình hình chính trị sẽ khiến giới đầu tư hướng vào trong nước, hơn là mở rộng ra quốc tế.
Đây có thể là tín hiệu xấu đối với châu Á, do dòng vốn từ Mỹ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm của khu vực.
Kyle Stanford, nhà phân tích đầu tư mạo hiểm hàng đầu tại PitchBook, cho biết: “Một số nhà đầu tư đang áp dụng cách tiếp cận theo hướng chờ đợi và quan sát. Họ dành thời gian để làm quen hơn với các thị trường mới nổi ở châu Á, đặc biệt do tính chất địa phương hóa cao của những thị trường đó”.
Tuy nhiên, điểm tích cực là một số thị trường châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, hay Việt Nam đang được giới đầu tư khá quan tâm vì sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi. Với Việt Nam, ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia lựa chọn phát triển chuỗi cung ứng tại đất nước sở hữu hơn 100 triệu dân.
Mặc dù vậy, Nikkei đánh giá khó có quốc gia nào ở châu Á có thể sớm vượt qua Trung Quốc trong việc thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Theo giới phân tích, sự quan tâm của các nhà đầu tư ở Đông Nam Á và Ấn Độ đang tăng lên, nhưng những thị trường này kém trưởng thành hơn và quy mô đầu tư có xu hướng nhỏ hơn.
Từ tháng 1 đến tháng 11/2023, Trung Quốc ghi nhận 2.972 thương vụ cấp vốn mạo hiểm với tổng trị giá 39,7 tỷ USD, giảm 26,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ chỉ huy động được 6,9 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, giảm 65,8% so với năm 2022, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu GlobalData.
Angela Lai, người đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty phân tích Preqin, đánh giá: “Dù đang tiếp tục phát triển nhưng thị trường đầu tư mạo hiểm của Ấn Độ có quy mô chỉ bằng một phần tư thị trường Trung Quốc. Không chỉ sở hữu các quỹ đầu tư tư nhân với quy mô lớn, Trung Quốc còn có lịch sử hơn 20 năm trong mảng đầu tư mạo hiểm, điều đó khiến đất nước này đi trước nhiều tay chơi mới trong cách thiết lập cơ sở hạ tầng, tài năng,…để hình thành hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm”.
Một yếu tố khác có thể khiến các nhà đầu tư thận trọng trong năm 2024 là các vụ IPO (sự kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) sẽ vẫn còn hạn chế, và hình thức M&A (mua bán- sáp nhập) nhiều khả năng trở thành phương án thoái vốn tốt nhất cho giới đầu tư. Chỉ đến 2025, thị trường IPO được dự đoán sẽ thật sự tan băng.
“Rất nhiều công ty trong danh mục đầu tư của chúng tôi dự kiến thời điểm quý II, quý III/2025 mới là lúc họ bắt đầu chuẩn bị IPO”, ông Ramadurai, đại diện quỹ đầu tư Harmonix cho biết.
Cũng theo ông, sự phấn khích đối với công nghệ trí tuệ nhân tạo, tiêu biểu như phần mềm ChatGPT của OpenAI, vốn thu hút giới đầu tư trong năm 2023, sẽ hạ nhiệt vào năm nay.
“Mọi người đều lên thuyền vào cùng một lúc và khiến thị trường trở nên siêu bão hòa trong năm 2023. Giờ đây, rất nhiều nhà đầu tư bị tê liệt, không thể phân tích đâu là sự thật và đâu chỉ là do startup hư cấu ra, " Ramadurai nói.