Trung tâm Sáng tạo Khởi nghiệp và Chuyển giao Công nghệ (CISAT) - Thúc đẩy ý tưởng sáng tạo ở trí thức trẻ

08:50, 10/07/2025

Ra đời trong bối cảnh giáo dục đại học đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng đổi mới sáng tạo và gắn kết với doanh nghiệp, Trung tâm Sáng tạo Khởi nghiệp và Chuyển giao Công nghệ (CISAT), thuộc trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, là đơn vị thúc đẩy thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đồng thời hỗ trợ các hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.

Tổng quan về trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (HCMUTE), định hướng của trường là trở thành đại học đa ngành đa lĩnh vực, tiên phong trong đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Với triết lý giáo dục "Nhân bản - Sáng tạo - Hội nhập", trường chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nuôi dưỡng tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và xây dựng xã hội học tập. Từ đó, tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được lan tỏa mạnh mẽ thông qua việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số và gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho thế hệ trẻ phát triển toàn diện trong kỷ nguyên số.

Theo đó, CISAT giữ vai trò kết nối giữa hoạt động nghiên cứu và thực tiễn, đồng thời triển khai các mô hình nghiên cứu ứng dụng nhằm thúc đẩy quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ. Một trong những minh chứng tiêu biểu cho định hướng này là Không gian Sáng tạo MakerSpace - nơi hỗ trợ ươm tạo startup, phát triển ý tưởng và triển khai sản phẩm công nghệ vào thực tế. Maker Space hay còn gọi là Không gian Sáng tạo với diện tích lên đến 3.200m2, được thành lập với mong muốn cung cấp cho sinh viên và giảng viên không gian thực hành năng động, phục vụ cho việc sáng tạo, phát triển các năng lực cần thiết để phục vụ cho học tập và công việc.

 

Maker Space được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như: máy hàn, máy khoan, máy may, máy cắt CNC, bảng mạch điện tử, cưa gỗ, tua vít và hàng trăm thiết bị khác ở tất cả các lĩnh vực đào tạo trong Nhà trường (Điện tử, Cơ khí, Hoá học,...). Tại MakerSpace, sinh viên và giảng viên được tạo điều kiện tiếp cận môi trường làm việc hiện đại, trang bị đầy đủ thiết bị và công cụ kỹ thuật hỗ trợ thực hiện quy trình nghiên cứu, thiết kế và chế tạo một cách chuyên nghiệp. Nhờ đó, các sản phẩm được phát triển không chỉ đạt yêu cầu học thuật mà còn đảm bảo chất lượng, tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa.

Sự ra đời của Maker Space tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM là một trong những nỗ lực cụ thể của nhà trường nhằm xây dựng môi trường học thuật mở, khuyến khích tư duy sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng học thuật. Maker Space được kỳ vọng sẽ vận hành hiệu quả, trở thành nơi ươm mầm và phát triển các ý tưởng, dự án tiềm năng. Không gian này được xem là chất xúc tác quan trọng, khơi nguồn cho những sáng chế ứng dụng, góp phần tạo ra giá trị thiết thực không chỉ đối với hoạt động giảng dạy và học tập trong trường mà còn lan tỏa ra cộng đồng xã hội.

Vào ngày 26/6/2025, tại Maker Space đã tổ chức Lễ trao giải Triển lãm Đồ án Sinh viên xuất sắc lần thứ 2 của ngành Kiến trúc Nội thất - trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chính là dấu mốc khép lại một năm học đầy nỗ lực và tâm huyết của các bạn sinh viên. Sau khi triển lãm thành công những đồ án tiêu biểu, buổi lễ trao giải là dịp tôn vinh những thành quả xuất sắc nhất trong học kỳ vừa qua. Các hạng mục được vinh danh bao gồm: Mỹ thuật, Trang trí, Lý thuyết, Đồ án cơ sở và Đồ án chuyên ngành. Không chỉ là một buổi Lễ tổng kết, sự kiện còn là khoảnh khắc để cùng nhìn lại hành trình học tập, lắng nghe những câu chuyện đã qua và tiếp thêm động lực cho chặng đường sáng tạo phía trước.

Ngày 22/12/2024, tại không gian sáng tạo Maker Space của Nhà trường đã diễn ra cuộc thi “Robot Niki tham quan trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM”. 

Đứng trước yêu cầu đổi mới giáo dục và định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, CISAT không chỉ chú trọng hỗ trợ nghiên cứu, mà còn đặt ra sứ mệnh ươm mầm các ý tưởng sáng tạo của sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu, nhằm chuyển hóa thành những sản phẩm có giá trị thương mại và đóng góp cho xã hội. Hướng đến tầm nhìn trở thành trung tâm kết nối hàng đầu khu vực trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ và thị trường, CISAT đóng vai trò như một cầu nối quan trọng giữa các ý tưởng tiềm năng và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Chính sự kết nối này góp phần thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nhà trường.

Những thành tích nổi bật mà sinh viên HCMUTE đạt được trong các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp là minh chứng rõ nét cho vai trò và cho những đóng góp tích cực của Trung tâm trong quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 


Được biết, từ 09 - 11/5/2025, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trong khuôn khổ thực hiện Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Khóa đào tạo hoàn thiện và hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp hướng đến khởi tạo doanh nghiệp tạo tác động xã hội - Giai đoạn 2. Chương trình diễn ra nhằm nâng cao năng lực triển khai và phát triển các dự án khởi nghiệp có giá trị bền vững và đóng góp cho cộng đồng. Trong danh sách sinh viên tiêu biểu được triệu tập trên toàn quốc, dưới sự hướng dẫn của cố vấn chuyên môn của CISAT, nhóm sinh viên của HCMUTE đã được lựa chọn tham gia với dự án “Kinh doanh dịch vụ cho thuê trạm thí nghiệm thực hành điều khiển qua Internet” đã thể hiện rõ tính sáng tạo, tính ứng dụng và tiềm năng triển khai trong thực tiễn đào tạo kỹ thuật.

 

Theo đó, đây là dự án hướng đến cung cấp dịch vụ cho thuê trạm thí nghiệm thực tế từ xa thông qua nền tảng Internet, cho phép sinh viên và giảng viên truy cập, điều khiển và tương tác với các mô hình thực hành thực tế mà không cần hiện diện trực tiếp tại phòng thí nghiệm. Mô hình này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh học trực tuyến, tại các cơ sở giáo dục còn hạn chế về trang thiết bị, hoặc đối với sinh viên ở vùng sâu, vùng xa. Giải pháp đã thu hút sự quan tâm nhờ tính ứng dụng cao, phù hợp với xu thế giáo dục mở và chuyển đổi số hiện nay. Dự án mang đậm dấu ấn sáng tạo công nghệ, có tác động xã hội rõ nét khi góp phần mở rộng cơ hội thực hành cho người học trên toàn quốc, tối ưu hóa chi phí đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật. 

Đáng chú ý, trong khuôn khổ Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SV Startup 2025” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, nhóm sinh viên của HCMUTE đã xuất sắc giành giải Ba cấp toàn quốc với dự án “Các sản phẩm bánh tỏi đen hạt mít dinh dưỡng, giàu chất chống oxy hóa và chỉ số đường huyết thấp dành cho người bệnh tiểu đường”. Đặc biệt, sự kiện còn có sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Cuộc thi đã thu hút 775 dự án của học sinh, sinh viên tranh tài. Đây cũng là năm đầu tiên, cuộc thi có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chính vì vậy, đây không chỉ là cuộc thi, SV Startup 2025 còn là môi trường rèn luyện toàn diện, giúp học sinh, sinh viên rèn kỹ năng mềm, xây dựng tư duy kinh doanh và từng bước hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo. Thành công tại sân chơi này là một dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển bản thân của người trẻ, đồng thời góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến cộng đồng học sinh, sinh viên trên toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng lãnh đạo HCMUTE tham quan gian hàng tại Ngày Hội

Dự án của HCMUTE xuất sắc đạt giải Ba tại Cuộc thi này, đây là dự án tập trung phát triển một loại bánh dinh dưỡng được chế biến từ tỏi đen và hạt mít - hai nguyên liệu giàu chất chống oxy hóa, có lợi cho sức khỏe. Sản phẩm đặc biệt phù hợp với người mắc bệnh tiểu đường và những người theo chế độ ăn kiêng. Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, sản phẩm còn mang ý nghĩa thiết thực trong việc thúc đẩy giá trị nông sản Việt Nam, thông qua việc khai thác hiệu quả các nguyên liệu quen thuộc nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực thực phẩm hỗ trợ sức khỏe.


Nhóm sinh viên HCMUTE đạt giải Ba toàn quốc tại Ngày Hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII, năm 2025 (SV.STARTUP 2025)

Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức nhiều buổi Hội thảo, Tọa đàm về các chính sách đang được triển khai tại trường, hoàn thiện pháp lý về sở hữu trí tuệ, thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính cho các nhóm nghiên cứu trọng điểm và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong môi trường học thuật. Đồng thời, tổ chức những buổi tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược và phát huy hiệu quả nguồn lực giữa các cơ sở giáo dục, phối hợp triển khai thành công các chuỗi hoạt động trao đổi học thuật và trải nghiệm thực tiễn, đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước.

Hãy để lại lời nhắn

Hãy điền thông tin và chúng tôi sẽ liên hệ bạn ngay